Trung Quốc phóng thành công vệ tinh địa tĩnh đầu tiên
(Dân trí) - Mạng tin trực tuyến của "Thời báo Tài chính" (Finacial Times) cho biết Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh địa tĩnh đầu tiên sau gần 4 năm nghiên cứu, đạt được bước tiến lớn trong kế hoạch phát triển hệ thống định vị nhằm cạnh tranh với các đối thủ GPS của Washington và Galileo của châu Âu.
Việc phóng vệ tinh địa tĩnh "Bắc Đẩu" ngày 3/2 chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh phát triển ngành công nghiệp vũ trụ.
Động thái trên được đưa ra sau vài tuần Trung Quốc vừa gây mối lo ngại đối với Mỹ và châu Âu bằng việc phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết lỗi thời của họ. Kế hoạch của Trung Quốc về hệ thống vệ tinh địa tĩnh đã được giấu kín và các quan chức nước này nhiều lần từ chối bình luận về ý định của họ. Tuy nhiên, việc phóng vệ tinh dường như là một nỗ lực để tăng thêm một hệ thống khá mơ hồ dựa vào ba vệ tinh Bắc Đẩu được phóng từ năm 2000-2003.
Trong một cuộc thảo luận công khai về kế hoạch của Bắc Kinh hồi tháng 11/2006, Tân Hoa Xã cho biết hai vệ tinh địa tĩnh sẽ được phóng đầu năm nay, cho phép hệ thống Bắc Đẩu bao phủ cả Trung Quốc và một số nước láng giềng vào năm 2008. Hệ thống này sẽ mở rộng khả năng bao phủ toàn cầu với việc tạo ra một "chòm sao" gồm 30 vệ tinh quỹ đạo trái đất. Tân Hoa Xã không đưa ra thời gian cụ thể đối với phần kế hoạch này của hệ thống Bắc Đẩu, tương tự hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và mạng lưới vệ tinh Galileo của châu Âu.
Khả năng định vị chính xác hơn là một vấn đề quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng hệ thống Bắc Đẩu được mở rộng sẽ sử dụng tần số sóng vô tuyến tương tự như Galileo và có thể như GPS, khiến cho các đối thủ khó có thể cản trở hoạt động của hệ thống này trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sự phát triển của Bắc Đẩu có thể tạo ra thách thức đối với thành công về thương mại của Galileo trong khi Trung Quốc là một đối tác của dự án Galileo và chính phủ và các công ty nước này đang đầu tư 200 triệu euro vào các cơ sở liên quan và nghiên cứu các ứng dụng thương mại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Brussel cho biết Trung Quốc cam kết dự án này là nhằm cải thiện quan hệ chính trị, học hỏi những bí quyết từ châu Âu và tạo sự cạnh tranh lớn hơn
Anh Kiên
Theo Finacial Times