1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc phát triển tàu không người lái cho hải quân

(Dân trí) - Trung Quốc đang phát triển các tàu không người lái để gia tăng sức mạnh trên biển, trong lúc tăng cường quân sự theo hướng sử dụng các công nghệ mới.

Một mẫu tàu không người lái do Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tô chế tạo.
Một mẫu tàu không người lái do Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tô chế tạo.
 
Ngân sách của chính phủ Trung Quốc dành cho việc nghiên cứu tàu tự động đã tăng mạnh, chủ yếu từ quân đội, theo các nhà khoa học tham gia vào công việc này. Ít nhất 15 nhóm nghiên cứu đã được thiết lập tại các trường đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu để sản xuất các tàu không người lái trong 2 năm qua, các nhà khoa học cho biết.

Giáo sư Ma Zhongli, một chuyên gia về tàu tự động tại Đại học Xây dựng Cáp Nhĩ Tân, cho hay chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào các máy bay không người lái trong những năm qua. Nhưng chỉ tới gần đây, giới chức mới nhận ra giá trị thiết thực và tầm quan trọng chiến lược của các tàu không người lái.

Bà Ma cho hay quân đội đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng các tàu tự động cho mục đích thu thập thông tin tình báo và dụ hỏa lực của đối phương vào các trận hải chiến. Chúng cũng có thể mang các thiết bị khác nhau, từ camera hồng ngoại cho tới máy phóng tên lửa.

“Mối quan tâm lớn nhất của chính phủ là sử dụng tàu không người lái trong lĩnh vực quân sự”, bà Ma nói với tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng

“Chúng có thể tuần tra vùng biển suốt 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Chúng có thể nhìn thấy mọi thứ ở xa mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Tàu không người lái có thể được triển khai ngay tức thì với số lượng lớn để lấn lướt đối phương. Quan trọng nhất là chúng có thể giảm thương vong. Tình hình tại một số vùng biển có thể quá nhạy cảm hoặc quá nguy hiểm để đưa người tới. Đó là lúc chúng ta cần các tàu không người lái nhất”, bà Ma nói.
 
Một mẫu tàu không người lái khác của Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tô.
Một mẫu tàu không người lái khác của Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tô.

Giáo sư Ma cho hay, tàu không người lái cũng có tầm sử dụng rộng trong lĩnh vực dân sự như bảo vệ môi trường và quản lý đánh bắt.

Một trong những thách thức quan trọng mà nhóm của bà Ma phải đối mặt là phát triển một hệ thống camera có thể chụp ảnh và quay video rõ nét, thậm chí trên một tàu đang bấp bênh.

Một hệ thống máy móc là cần thiết nhằm ổn định camera và phần mềm máy tính để kiểm soát các ống kính nhằm theo dõi hoạt động của tàu.

Camera cũng cần nhận dạng các vật thể mà tàu không người lái gặp phải, trong đó có việc liệu các tàu là dân sự hay quân sự.

“Công nghệ là điều khó khăn và tinh vi hơn so với các công nghệ được sử dụng trong các máy bay do thám thông thường, vốn bay ổn định hơn nhiều và có thể lường trước được.

Nếu không giải quyết được các khó khăn về công nghệ đó, tàu tự động sẽ không thể bắt đầu sản xuất hàng loạt”, bà Ma nói.

Các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học khác, như Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tô, đang nghiên cứu các vấn đề khác như kết nối không dây và sự phối hợp giữa các tàu không người lái trong các hạm đội lớn.

Một số nhà nghiên cứu đã từ chối trả lời phỏng vấn vì sự nhạy cảm trong công việc nghiên cứu của họ.

Bà Ma cho hay các quốc gia khác như Mỹ đã phát động các dự án nghiên cứu tương tự trước Trung Quốc và đã đưa ra một số mô hình ấn tượng, nhưng các tàu không người lái có thể có tác dụng lớn hơn trong vùng biển Trung Quốc.

“Trung Quốc có chung biên giới trên biển với nhiều quốc gia lân cận. Trong các vùng biển phức tạp này, tàu không người lái trở nên hiệu quả, thuận tiện và an toàn hơn các tàu có người lái ở nhiều tình huống. Chúng sẽ có chi phí thấp hơn và khả năng của chúng sẽ tăng lên gấp đôi nếu được triển khai cùng các máy bay không người lái”, bà Ma nói.

An Bình 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm