1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc ôm mộng chế tạo hàng loạt đảo nổi “khổng lồ”?

(Dân trí) - Tại triển lãm thành tựu công nghệ và khoa học quốc phòng cuối tháng 7 ở Bắc Kinh, một công ty Trung Quốc đã công bố thiết kế đầu tiên của một kết cấu nổi cực lớn, được tin là có thể giúp quân đội nước này đưa tới bất kỳ đâu trên thế giới khi cần.

china-vlsf-cce67

Thông tin được tạp chí Navy Recognition đăng tải. Theo đó, công ty Jidong Development Group đã công bố bản vẽ đầu tiên của kết cấu nổi cực lớn (VLSF), bao gồm nhiều modul nổi nhỏ có thể ghép nối lại với nhau để tạo thành một cấu trúc lớn hơn, nổi trên mặt biển.

Trên thế giới VLSF có nhiều công dụng khác nhau. Các hòn đảo nhân tạo có thể được sử dụng cho mục đích du lịch, nhưng cũng có thể được xây dựng trở thành cầu cảng, căn cứ quân sự hoặc thậm chí sân bay nổi, Navy Recognition cho biết.

Tuy nhiên, VLSF do Trung Quốc đưa ra có thiết kết nhằm phục vụ mục tiêu cho phép cấu trúc này hoạt động như những căn cứ quân sự nổi. Theo tạp chí Popular Science, thiết kế lắp ghép dạng khối giúp các đảo nổi có thể dễ dàng được xây dựng cách xa các bến cảng. Thêm vào đó, kết cấu modul giúp VLSF trở nên khó chìm, bởi sẽ phải phá hủy nhiều modul trước khi VLSF bị vô hiệu hóa.

Nếu được xây dựng một cách hợp lý, về lý thuyết, các VLSF có thể chứa được nhiều máy bay và nhu yếu phẩm hơn những tàu sân bay truyền thống. VSLF cũng có đường băng dài hơn, có nghĩa là có thể đón những máy bay lớn hơn cho dù tính cơ động có thể kém hơn các hàng không mẫu hạm.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa bắt tay xây dựng bất kỳ VLSF nào, nhưng việc Bắc Kinh chính thức công khai ý tưởng này cho thấy sự quan tâm của nước này đối với những ý tưởng quân sự cấp cao, đặc biệt là những ý tưởng có thể giúp Trung Quốc hoạch định sức mạnh tới các vùng biển tranh chấp.

Với việc Trung Quốc tiếp tục tìm cách mở rộng trường ảnh hưởng khắp châu Á, đặc biệt tại Biển Đông, ý tưởng về một hòn đảo nhân tạo di động rõ ràng có sức hấp dẫn chiến lược.

“Với việc Trung Quốc đang cho thấy khả năng nhanh chóng biến các bãi san hô thành tiền đồn quân sự, VLSF có thể là sự bổ sung đặc biệt hữu ích cho hệ thống chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của họ”, cây bút Jack Detsch bình luận trên tờ The Diplomat. “Các căn cứ chiến đấu cũng có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc làm suy giảm những lợi thế lớn về căn cứ mà Washington có được trên sân khấu châu Á – Thái Bình Dương”.

Việc xây dựng VLSF sẽ là bước tiếp theo của Bắc Kinh, ở tầm cao hơn trong kế hoạch xây đảo nhân tạo. Hiện nước này vẫn đang rầm rộ hút cát bồi đắp, và xây đảo nhân tạo trên các bãi đá và bãi san hô khắp Biển Đông, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Thanh Tùng

Theo Business Insider