1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc nổi giận với Malaysia về tiến độ tìm máy bay

(Dân trí) - Giới chức Malaysia ngày hôm nay (17/3) lại phải đón nhận thêm những chỉ trích dữ dội mới từ dư luận Trung Quốc, khi chiến dịch tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích đã kéo dài 10 ngày mà không đem lại kết quả.

Trong ngày thứ Bảy vừa qua, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thông báo chuyến bay mất tích là hành động “có chủ ý”, và rằng máy bay đã bay thêm nhiều giờ sau khi đi chệch đường bay.

Dư luận Trung Quốc đang rất giận dữ với tiến độ tìm kiếm máy bay
Dư luận Trung Quốc đang rất giận dữ với tiến độ tìm kiếm máy bay

Theo hãng tin AFP, trong một bài viết được tờ China Daily đăng tải ngày hôm nay, tờ báo của Trung Quốc đã đặt câu hỏi vì sao thông báo từ Kuala Lumpur được đưa ra sau tới hơn một tuần sau khi chuyến bay mất tích, và đặt câu hỏi liệu Malaysia đã chia sẻ mọi thông tin mà họ thu thập được hay chưa.

“Những thông tin trái ngược và nhỏ giọt mà Malaysia Airlines và chính phủ của họ cung cấp đã khiến các nỗ lực tìm kiếm trở nên khó khăn, và toàn bộ vụ việc ngày càng bí ẩn hơn”, bài báo viết. “Liệu còn điều gì họ biết mà chưa được chia sẻ cho thế giới?”

Hai phần ba số hành khách trên chuyến bay mất tích là người Trung Quốc, và Bắc Kinh luôn chỉ trích cách thức chia sẻ thông tin của Malaysia - một mối lo ngại tiếp tục được bộc lộ hôm nay, khi ngày càng có nhiều cơ sở cho thấy máy bay có thể bị bắt cóc.

“Điều tối quan trọng đó là bất kỳ lỗ hổng nào có thể bị những kẻ không tặc hoặc khủng bố khai thác được nhận diện sớm nhất có thể, bởi chúng ta cần các biện pháp ứng phó để khắc phục nó”, China Daily viết.

Yao Shujie, hiệu trưởng trường Trung Quốc học tại đại học Nottingham, thì viết trong một bài bình luận trên tờ Thời báo hòan cầu rằng, Malaysia đã “đánh mất quyền kiểm soát và uy tín của mình” sau phản ứng hỗn loạn.

“Việc thiếu sức mạnh quốc gia và kinh nghiệm trong việc xử lý sự việc đã khiến chính phủ Malaysia trở nên vô dụng và kiệt sức với việc phủ nhận đủ loại tin đồn”, Yao viết. Ông khẳng định “nếu cuộc tìm kiếm còn tiếp tục không có kết quả ngay cả sau những thông tin mới, Malaysia tốt hơn hết nên chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cứu nạn quốc tế”.

Rất nhiều người thân của các hành khách mất tích - gồm cha, mẹ, vợ, chồng - đã mòn mỏi chờ đợi đại khách sạn Lido ở Bắc Kinh, nơi hãng hàng không Malaysia thiết lập một trung tâm ứng phó khủng hoảng.

Cha mẹ của Feng Dong, 21 tuổi, một công nhân nhập cư đang trên đường trở về Trung Quốc sau khi ở Singapore 4 tháng đã thực sự tuyệt vọng. Những thông tin nhỏ giọt khiến họ càng khổ sở.

Người thân nhiều nạn nhân mất tích đang mất ăn mất ngủ
Người thân nhiều nạn nhân mất tích đang mất ăn mất ngủ

“Tôi không thể ngủ cũng không thể ăn uống gì”, cha của Feng khẳng định với kênh NBC News, và cho biết ông hy vọng con trai mình còn sống.

Việc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 đã kéo dài suốt 9 ngày đằng đẵng và các gia đình ở đây thì giận dữ hơn từng ngày.

“Tôi không hài lòng. Họ là những kẻ dối trá”, cha của Feng nhận xét về giới chức Malaysia.

Một số gia đình còn có kế hoạch tới đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh để làm cho ra nhẽ, vì sao các thông tin giới chức Malaysia cung cấp không nhất quán.

Sau rất nhiều căng thẳng, một số gia đình thấy thêm hy vọng phần nào khi cuộc điều tra đem đến thông tin quan trọng nhất từ khi máy bay mất tích, rằng máy bay đã chuyển hướng và đi chệch khỏi hành trình ban đầu do “hành động cố ý của ai đó trên máy bay”, và máy bay vẫn còn liên lạc với vệ tinh nhiều giờ sau khi biết mất trên màn hình radar của kiểm soát không lưu.

Tuy vậy, chị gái của hành khách mất tích, Paul Weeks đến từ New Zealand, cho rằng thông báo này là con dao hai lưỡi.

“Tôi cũng cảm thấy rất đáng sợ, bởi nếu ai đó cố ý chiếm đoạt máy bay, thì hẳn họ phải có lí do, và tôi cho rằng thường thì điều đó không tốt”, Sara Weeks nói.

Phát biểu với hãng thông tấn Tân Hoa Xã, ông Guo Shaochun, trưởng nhóm công tác của Trung Quốc đang phối hợp với Malaysia trong vụ tìm kiếm khẳng định, tất cả các thành viên trong nhóm đều sốt sắng và lo lắng bởi máy bay đã mất tích quá lâu.

“Chúng tôi sẽ hối thúc và hỗ trợ Malaysia gánh vác trách nhiệm, và chăm sóc, an ủi các gia đình hành khách”, ông Shaochun nói.

Trước đó, một thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 15/3 yêu cầu “phải có thông tin chi tiết và chính xác hơn” về khu vực tìm kiếm mới. Trong khi hãng thông tấn Tân Hoa Xã có bài viết cáo buộc Malaysia và Mỹ đang cản bước nỗ lực tìm kiếm của Trung Quốc.

“Với công nghệ ngày nay, sự trì hoãn đó chỉ có thể là sự lơ là trách nhiệm hoặc không muốn chia sẻ thông tin một cách đầy đủ và kịp thời”, Tân Hoa Xã  viết, và tuyên bố Malaysia “chịu trách nhiệm không thể thoái thác”.

Thanh Tùng
Tổng hợp