1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc - người khổng lồ cô độc

Đối thoại An ninh Shangri-La năm nay nóng nhất kể từ khi thành lập 13 năm trước. Các đại diện Trung Quốc như nhà ngoại giao kỳ cựu Phó Oánh hay Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung đã thất bại trong việc thuyết phục khu vực và thế giới về chiến lược “trỗi dậy hòa bình”.

Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông.
 
Cuộc đấu khẩu quyết liệt hiếm thấy giữa đại diện ba nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản còn được “The Diplomat” hôm 3/6 xem là hữu ích trong nhận thức về thuyết “mối đe dọa Trung Quốc”.

Ấn tượng và nhận thức bao trùm tại Đối thoại An ninh Shangri-La là một Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế và ngày càng tỏ ra cô độc với gánh nặng siêu cường.

Ngoài việc chỉ trích trả đũa Mỹ-Nhật lộ rõ cay cú, biện luận của tướng Vương Quán Trung vẫn chỉ là sự giải thích lòng vòng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý về yêu sách đường “lưỡi bò”, cùng khái niệm “chủ quyền lịch sử” mơ hồ khiến giới quan sát thất vọng.

Thậm chí báo “The Christian Science Monitor” (Mỹ) cho rằng, tướng Vương đã phá hỏng mục tiêu khuyến khích đối thoại và tăng cường hiểu biết lẫn nhau của diễn đàn Shangri-La.

Theo các nhà quan sát, cách tiếp cận và lối hành xử của Trung Quốc gần đây cho thấy họ bắt đầu nghĩ mình là siêu cường. Trung Quốc tự cho phép mình giải thích lại luật chơi, kể cả các nguyên tắc quốc tế theo quan điểm và lợi ích riêng.

Một số học giả Trung Quốc còn tìm cách cổ súy trật tự thế giới lấy Trung Quốc là trung tâm, biện bạch rằng Trung Hoa trong lịch sử không bao giờ xâm lược láng giềng, không ức hiếp nước nhỏ mà còn ban ân lộc cho phiên thuộc nhiều hơn cả những gì họ cống nạp.

Trung Quốc đang cố gắng khuếch trương quyền lực theo một mô hình và nền tảng triết lý lỗi thời đã bị Mỹ vứt bỏ từ lâu.

Ắt hẳn Trung Quốc chiếm ngôi đầu về tuyên truyền mị dân một chiều. Bất chấp thực tế đội tàu hơn trăm chiếc của Trung Quốc tháp tùng giàn khoan Hải Dương 981 ngày ngày hung hãn bắn súng nước, đâm húc các tàu chấp pháp và tàu ngư dân Việt Nam trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Tân Hoa xã khơi khơi hô hoán rằng, tàu Việt Nam xông vào vùng biển Trung Quốc khiêu khích, lao vào đâm các tàu Trung Quốc như cảm tử quân, rồi tàu cá Việt Nam tấn công giàn khoan nên tự chìm (!?)…

Tiếp Thủ tướng Malaysia, ông Tập Cận Bình vẫn thản nhiên nói biển Đông “rất yên bình”, trong khi các phương tiện truyền thông khắp thế giới tràn ngập hình ảnh, thông tin về diễn biến nóng bỏng xung quanh giàn khoan khổng lồ Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Với 1,4 tỷ dân bị kiểm soát internet gắt gao, không hề biết đến Google hay Facebook, Trung Quốc quá rành chiến thuật tự nhận mình là nạn nhân và bộ máy tuyên truyền khổng lồ ra sức giở chiêu “Tăng Sâm giết người”.

Trung Quốc đang một mình ngược chiều truyền thông thế giới. Không ai ngây thơ tin Việt Nam dại dột đến nỗi đi khiêu khích Trung Quốc, còn Trung Quốc lại bị các nước nhỏ “bắt nạt”.

Thế giới nay đã siêu phẳng như Thomas Friedman nhận định, giàn khoan khủng và cả hạm đội trăm chiếc tàu đâu phải chiếc kim giấu giữa biển cả.

Ngày 2/6, Ria Novosti đã phải gỡ bỏ bài viết gây phẫn nộ độc giả của Dmitry Kosyrev “Thỏa thuận Nga - Trung tốt hơn tất cả mọi tuyên bố”. Đây có lẽ là bài viết hiếm hoi xuyên tạc, vu khống Việt Nam đã bị dư luận cực lực lên án.

Trung Quốc đang tự cô lập mình, nguy cơ trở thành người khổng lồ cô độc. Với những gì đang thể hiện, liệu Trung Quốc thành siêu cường hay không đang là câu hỏi lớn.
 
Theo Đặng Vương Hạnh
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm