1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng bằng in tiền cho các nước

(Dân trí) - Các công ty quốc doanh của Trung Quốc giành được các hợp đồng in tiền của các nước trên thế giới dường như nằm trong chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, SCMP đưa tin.

Một nhân viên nhà máy in tiền Trung Quốc kiểm tra mẫu in (Ảnh: Yibada)
Một nhân viên nhà máy in tiền Trung Quốc kiểm tra mẫu in (Ảnh: Yibada)

Các nguồn thạo tin tại tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc nói với SCMP hồi tháng trước rằng các nhà máy sản xuất tiền trên khắp quốc gia này đang đồng loạt hoạt động gần như hết công suất nhằm đáp ứng chỉ tiêu cao bất thường mà chính phủ Bắc Kinh đặt ra cho các công ty này trong năm nay.

Tuy nhiên, một nguồn tin cũng xác nhận là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong các đơn đặt hàng mà các công ty trên thực hiện. Phần lớn các hợp đồng in tiền đến từ các nước đang tham gia vào sáng kiến “vành đai, con đường” do Trung Quốc khởi xướng.

Theo ông Liu Guisheng, chủ tịch tập đoàn in và đúc tiền, Trung Quốc không in ngoại tệ cho tới thời điểm gần đây. Nhưng từ năm 2013, khi Trung Quốc phát động sáng kiến “vành đai, con đường”, dự án phát triển toàn cầu dự kiến có 60 nước tham gia thì tình hình đã có sự thay đổi nhất định.

Bắt đầu từ năm 2016, Trung Quốc bắt đầu nhận hợp đồng in tờ tiền 100 rúp của Nepal. Kể từ đó, công ty đã “nắm bắt thời cơ mà sáng kiến mang lại” và “nhận hàng loạt hợp đồng in tiền từ các nước như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil, và Ba Lan”, ông Liu nói.

Nhưng theo một nguồn tin, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Số lượng quốc gia thực tế đã hoặc sắp có kế hoạch thuê công ty Trung Quốc in tiền trên thực tế lớn hơn nhiều. Một số chính phủ đã yêu cầu Bắc Kinh không công khai các thương vụ này vì lo ngại rằng thông tin trên có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hoặc gây nên “những cuộc tranh luận không cần thiết” trong nội bộ đất nước, nguồn tin cho biết.

Ông Hu Xingdou, giáo sư kinh tế tại Viện Kỹ thuật Bắc Kinh, cho rằng các quốc gia phải có một sự tin tưởng nhất định vào chính phủ Trung Quốc mới có thể cho phép Bắc Kinh in tiền như vậy. Bản thân, Trung Quốc cũng không thể tin tưởng hoàn toàn quốc gia bất cứ nước nào khác ngoài chính bản thân họ, liên quan tới quá trình in tiền, do họ lo ngại các đối thủ sẽ có thể sử dụng tiền giả để làm lũng đoạn nền kinh tế.

Thị trường in tiền thế giới trước nay vẫn do các công ty phương Tây thống trị hàng thế kỷ với hàng loạt hợp đồng in tiền cho nhiều các chính phủ và quốc gia. Các công ty lớn như De La Rue (Anh) có tới 140 quốc gia ký hợp đồng, hay Giesecke & Devrient (Đức) nhận in tiền cho 60 nước.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về đơn hàng của công ty Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến họ có vị thế nhất định trong thị trường. Theo báo cáo của De La Rue, tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc giờ đã chiếm khoảng một phần ba thị phần trên toàn cầu. Lợi thế của Trung Quốc chính là chi phí rẻ so với các đối thủ phương Tây.

Giới quan sát cho rằng, bằng việc nhận các hợp đồng in tiền cho các nước trên thế giới, mà ban đầu là các đối tác trong dự án “vành đai, con đường” là một chiến lược của Trung Quốc nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, nhất là với những mặt hàng có tính nhạy cảm và liên quan mật thiết tới an ninh quốc gia như tiền giấy.

Tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc có trụ sở chính ở quận Tây Thành, thủ đô Bắc Kinh tự nhận là công ty in tiền lớn nhất thế giới về mặt quy mô. Công ty này có tới 18.000 nhân viên cùng với hơn 10 cơ sở sản xuất tiền được bảo vệ nghiêm ngặt trên toàn quốc.

Ngược lại, cục chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất tiền tệ trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ chì có 10 nhân viên và 2 nhà máy in tiền. Ngay cả công ty có quy mô lớn thứ 2 thế giới, De La Rue cũng chỉ có 3.100 nhân viên tính đến cuối năm ngoái.

Tờ 100 tệ của Trung Quốc được in trong máy (Ảnh: Yibada)
Tờ 100 tệ của Trung Quốc được in trong máy (Ảnh: Yibada)

Tại Trung Quốc, sự gia tăng của các phương pháp thanh toán qua điện thoại, ví điện tử, ngân hàng những năm gần đây đã làm giảm nhu cầu sử dụng tiền giấy. Điều này phần nào đó đã khiến nhiều nhà máy in tiền rơi vào cảnh thiếu việc làm.

Tuy nhiên, tình trạng trên đã bất ngờ chấm dứt hồi đầu năm nay. Nhà máy in tiền giấy lớn nhất Trung Quốc ở Bảo Định, Hà Bắc đã nhận được những đơn đặt hàng lớn, theo một nhân viên làm việc ở nhà máy 604, công ty con của tập đoàn in và đúc tiền.

“Máy móc ở nhà máy chạy hết công suất trong nhiều tháng qua”, một nhân viên khác nói.

Tuy nhiên, sự gấp gáp và quy mô lớn của các đơn đặt hàng đã khiến nhà máy gặp nhiều khó khăn để theo kịp tiến độ. Quá tình sản xuất tiền giấy gồm nhiều bước bao gồm chuyển đổi sợi cotton và lanh mịn trở thành bột, sau đó chuyển nguyên liệu này thành giấy chất lượng cao với nhãn hiệu chống làm giả được in chìm. Chính vì vậy, quá trình này cần nhiều hơi nước để hoàn thành. Những đơn hàng lớn đã khiến cho thành phố Bảo Định phải rất vất vả để giữ được tiến độ sản xuất.

Một nhà máy in tiền ở Côn Sơn, Tô Châu cũng ở trong trường hợp tương tự. “Năm ngoái mọi thứ khá tệ hại. Chúng tôi không có việc để làm. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải in chứng chỉ đăng ký kết hôn và bằng lái xe để giúp dây chuyền không bị hỏng hóc. Năm nay chúng tôi lại có quá nhiều việc để làm”, một nhân viên nói.

Đức Hoàng

Theo SCMP