1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc mơ đuổi kịp Mỹ về sức mạnh quân sự

(Dân trí) - Hải quân Trung Quốc đã biên chế 17 tàu chiến mới trong năm 2013, nhiều hơn bất kỳ nước nào. Trong 10 năm nữa, Bắc Kinh sẽ có 3 tàu sân bay, giúp nước này có ảnh hưởng lớn chưa từng có tại một khu vực vốn tồn tại nhiều tranh chấp biển đảo.

Các trực thăng và tàu chiến Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận.
Các trực thăng và tàu chiến Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận.

Những con số đó cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong ngân sách quốc phòng, vốn đưa Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ về chi tiêu quân sự và tạo ra một ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng lớn và tinh vi.

Mặc dù Bắc Kinh vẫn còn thua Mỹ về ngân sách và công nghệ, nhưng sự bùng nổ trong chi tiêu quốc phòng đang thu hút sự chú ý mới đúng lúc Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự, vốn khiến các cam kết của Washington đối với các đồng minh châu Á bị ngờ, trong đó có một số quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Sức mạnh quân sự mới của Bắc Kinh là một trong nhiều vấn đề mà Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đối mặt khi ông có chuyến thăm châu Á trong tuần này. Washington phải đương đầu với một sứ mệnh khó khăn là thực hiện đầy đủ các cam kết với các đồng minh như Nhật Bản và Philippines, trong khi cũng phải duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc - đối tác kinh tế quan trọng và cường quốc đang lên trong khu vực.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 12,2% trong năm nay lên 132 tỷ USD, tiếp tục đà tăng 2 con số trong 2 thập niên qua. Các nhà quan sát bên ngoài thì cho rằng chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc còn cao hơn nhiều, dù các ước tính rất khác nhau.

Sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng cho thấy "sức mạnh và sự kiên quyết của Bắc Kinh đối với các láng giềng", khiến các quốc gia khác phải chú ý tới lĩnh vực Trung Quốc phân chia các nguồn lực, ông Abraham Denmark, chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc, phó giám đốc các vấn đề an ninh và chính trị tại Cục nghiên cứu châu Á (Mỹ), nhận định.

Trong khi đó, quân đội Mỹ đang tìm cách tập trung các nguồn lực sang châu Á-Thái Bình Dương sau khi giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan, mặc dù các quan chức cảnh báo rằng việc cắt giảm ngân sách có thể đe dọa kế hoạch chuyển 60% hạm đội hải quân của Mỹ tới khu vực. Giám đốc các hoạt động của hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, gần đây đã cảnh báo rằng khả năng tăng cường sức mạnh của Mỹ sẽ không thể sánh được với các đối thủ tiềm tàng do việc cắt giảm ngân sách.

Cùng lúc, hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển thành một lực lượng có thể cạnh tranh với Mỹ, vốn từ lâu đóng vai trò nổi bật về quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã biên chế tàu sân bay đầu tiên - Liêu Ninh - vào năm 2012, và 2 tàu sân bay khác dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025, giúp gia tăng đáng kể khả năng của Bắc Kinh nhằm tăng cường sức mạnh ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.

Các nhà phân tích cho hay Trung Quốc sẽ có tới 78 tàu ngầm vào năm 2020, một phần trong cuộc mở rộng có thể vượt qua cả Nga và Mỹ về số lượng tàu chiến được ban giao hàng năm.

"Điều đó rất phù hợp với kêu gọi của giới lãnh đạo nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp và quân sự lớn", ông Tai Ming Cheung, giám đốc Viện hợp tác và xung đột toàn cầu tại Đại học California, San Diego, nhận định.

Trong khi đó, hải quân Mỹ chỉ nhận khoảng 10 tàu lớn mỗi năm, trong khi con số trung bình của Nga ít hơn chút đỉnh.

Những hoài nghi

Nhưng dù có các khí tài ấn tượng, sự hoài nghi vẫn bao trùm lên khả năng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc, vốn không tham gia các hoạt động chiến đấu lớn kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1953. Các công nghệ tự chế chưa được thử nghiệm trong chiến đấu, trong khi việc huấn luyện và tổ chức bị cản trở bởi quan điểm tránh rủi ro và chú trọng tới tư tưởng chính trị phản ánh vai trò cơ bản của quân đội là bảo vệ đảng.

"Trở thành một lãnh đạo thế giới là phải làm chủ về phần mềm và kết nối", Denny Roy, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nhận định, liên hệ tới các khó khăn của của Trung Quốc về ngân sách quân sự liên lạc và hệ thống chỉ huy.

Những lo ngại về sự gây hấn của Trung Quốc tập trung vào 3 viễn cảnh: cuộc tấn công vào đảo Đài Loan, nỗ lực nhằm giành các quần đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông, và khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển và quần đảo ở Biển Đông.

Tất cả viễn cảnh trên đều tiềm ẩn những rủi ro đáng kể đối với Bắc Kinh, từ việc thiếu năng lực vận chuyển và hậu cần, tới khả năng chắc chắn rằng quân đội Mỹ sẽ phản ứng để bảo vệ các đồng minh. Nhật và Philippines là các đối tác hiệp ước của Mỹ, trong khi luật pháp yêu cầu Washington đối phó với các mối đe dọa nhằm vào Đài Loan.

Và mặc dù các căng thẳng với Nhật đã tăng mạnh vì quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông, Bắc Kinh vẫn nỗ lực giảm nhẹ ảnh hưởng mà quân đội nước này có thể gây ra đối với khu vực.

Phát biểu trước lãnh đạo hải quân từ hơn 20 quốc gia tham gia một diễn đàn hải quân ở Thanh Đảo, Trung Quốc hôm 23/4, một trong những vị tướng quyền lực nhất của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình và sự ổn định, nhưng sẽ không bao giờ thỏa hiệp về các lợi ích quốc gia.

"Các quốc gia nên nhớ rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận thỏa hiệp về các tuyên bố chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển của chúng tôi", ông Fan Changlong, phó chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc, nói.

An Bình
Theo AP