1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc lớn tiếng dọa cả G7

(Dân trí) - Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố sẽ kiên quyết đáp trả các hành động khiêu khích đối với chủ quyền lãnh thổ nước này sau khi các lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại sâu sắc về các căng thẳng trên biển giữa Bắc Kinh và các láng giềng châu Á.

Các lãnh đạo G7 họp tải Brussels, Bỉ.
Các lãnh đạo G7 họp tải Brussels, Bỉ.
 
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc ngày 5/6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các quốc gia liên quan trực tiếp và rằng sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
 
"Trung Quốc kiên quyết đối mặt với bất kỳ thách thức nào vì chủ quyền và lợi ích của mình, và bất kỳ thách thức nào nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trên biển", ông Hồng Lỗi lớn tiếng cảnh báo.
 
"Các quốc gia bên ngoài nên tôn trọng các sự thật khách quan và giữ thái độ công bằng trong các cuộc tranh chấp thay vì khuấy động căng thẳng và gây ra chia rẽ, làm phức tạp thêm tình hình khu vực”, ông Hồng nói.

“Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả kiên quyết bất kỳ nỗ lực khiêu khích nào nhằm cố tình xâm phạm quyền và chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và gây nguy hiểm cho hòa bình và sự ổn định trên biển”, phát ngôn viên nói.

Ông Hồng Lỗi đưa ra những bình luận trên trong bối cảnh Bắc Kinh gần đây cố tình gây leo thang căng thẳng khi liên tục có các hành động gây hấn nguy hiểm ở Biển Đông.

Hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đã hạt đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong vùng lãnh của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã điều nhiều tàu, trong đó có tàu quân sự, ra ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam trong khu vực đặt giàn khoan trái phép.
 
Các tàu của Trung Quốc còn chủ động đâm va, phun vòi rồng vào các tàu Việt Nam, khiến nhiều người bị thương và làm hư hỏng nhiều tàu. Một tàu của Trung Quốc còn hung hăng đâm chìm một tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
 
Giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Quốc tế đã mạnh mẽ lên án các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển. Tại Đối thoại Shangri-La 13 ở Singapore mới đây, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sử dụng các ngôn từ mạnh mẽ khác thường để cáo buộc Trung Quốc làm mất ổn định khu vực khi theo đuổi các tuyên bố chủ quyền.

Sau các cuộc hội đàm tại Brussel hôm 5/6, lãnh đạo các quốc gia G7, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đã đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các nước không sử dụng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng tại biển Đông và Hoa Đông”, các nhà lãnh đạo khẳng định trong một tuyên bố chung. “Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa, ép buộc”, tuyên bố viết.

Trung Quốc có tranh chấp biển đảo với một loạt các quốc gia trong khu vực, vốn cáo buộc Bắc Kinh ngày càng ngạo ngược trong các tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc và Nhật Bản vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông và bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của các nước khác từ Brunei, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết bên lề hội nghị G7 tại Brussels rằng tự do hàng hải của các khu vực tranh chấp nên được bảo vệ và không nên sử dụng sự hăm dọa, Kyodo đưa tin.

Jia Xiudong, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho hay cả Mỹ và Nhật Bản đều muốn gia tăng sức ép lên Trung Quốc thông qua nền tảng đa phương.

“Nhưng ảnh hưởng của G7 đang giảm dần và bị lu mờ bởi khối G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có Trung Quốc”, ông Jia nói.

Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin tại Bắc Kinh, cho rằng: “Nếu Trung Quốc quan tâm nhiều tới sức ép quốc tế, nước này đã không hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981”.

An Bình
Tổng hợp