1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc: Lộ diện nhiều gia tộc tham nhũng

Theo báo Trung Quốc “Pháp chế Buổi chiều”, do tề gia không nghiêm nên hiện tượng “toàn gia hủ” (cả nhà tham nhũng hủ bại) hiện đã trở nên khá phổ biến trong giới quan chức nước này. Cùng với việc chiến dịch “đả Hổ, đập Ruồi” ngày càng đi vào chiều sâu thì các gia tộc hủ bại lộ diện này càng nhiều…


Cặp vợ chồng quan tham Lý Xuân Thành - Khúc Tùng Chi.

Cặp vợ chồng quan tham Lý Xuân Thành - Khúc Tùng Chi.

Vợ chồng cùng nhau vào tù

Chồng là “đại Hổ”, vợ nhận tiền là “mô-típ” thường gặp trong giới quan chức Trung Quốc hiện nay. Tháng 12/2015, Lý Xuân Thành, Ủy viên dự khuyết TW, Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên bị kết án 13 năm tù vì tội nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền. Đến ngày 8/1/2016 đến lượt vợ ông ta là Khúc Tùng Chi bị đưa ra xét xử, Tòa án kết luận: Chi đã cùng chồng nhận hối lộ hơn 28 triệu tệ nên tuyên phạt 7 năm tù giam. Khúc Tùng Chi nguyên là Bí thư đảng ủy, Phó hội trưởng thường trực Hội Chữ thập đỏ thành phố Thành Đô.

Quan chức khi đã có quyền trong tay thì có người tình là chuyện thường thấy. Lư Vũ Phúc, Ủy viên thường vụ, Phó thị trưởng thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam có tới 9 ả người tình, phần lớn tiền bạc vơ vét được, Phúc đều giao cho người đẹp được sủng ái nhất là Miêu Húc Hoa cất giữ. Khi nghe tin đồn Phúc sắp bị điều tra, Hoa liền mua một cặp điện thoại cùng sim số mới để hai người sử dụng liên lạc bàn cách tẩu tán tài sản…

Hứa Đạo Minh, Phó bí thư thành ủy Hợp Phì (An Huy) và vợ là Giang Lê, Cục trưởng Thương nghiệp thành phố cùng nhau lợi dụng chức vụ để vơ vét, cuối cùng đều vào nhà giam bóc lịch. Trong thời gian từ 1995 đến tháng 11/2006. Minh đã lợi dụng chức quyền nhận hối lộ 123 lần, trong đó đích thân nhận 122 lần số tiền 1 triệu 564 ngàn tệ, 32.800 USD, 1000 HKD và cùng Lê nhận 1 triệu tệ. Tháng 7/2008, Minh bị tòa kết án chung thân vì tội nhận hối lộ và có tài sản lớn bất minh, Lê nhận án 4 năm tù.

Trong số các cặp vợ chồng tham nhũng, thường chồng đóng vai chính, vợ phụ; nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Tháng 7/2012, Trần Nghi Hàm, Trưởng phòng Tuyên truyền, Bộ Đường sắt bị điều tra. Cán bộ điều tra đã thu giữ ở nhà riêng Hàm hơn 10 triệu tệ tiền mặt và 9 sổ sở hữu nhà ở Bắc Kinh. Sau đó, cơ quan điều tra lần ra tiếp vụ án tham nhũng của ông chồng là Lưu Thụy Dương, Phó chủ nhiệm Phòng Tòa án xe, Cục vận tải của Bộ Đường sắt.

Cha con “phối hợp” vơ vét

Cha làm quan, con kinh doanh, cha tạo điều kiện cho con kiếm tiền là mô hình thường gặp. Cách đây mấy hôm, The Paper đưa tin: dư chấn để lại của vụ án “Vua nhà đất” Triệu Tấn vẫn chưa dứt, 28 quan chức trong các cơ quan quy hoạch, tài nguyên đất đai Thiên Tân vừa bị xử lý do liên quan đến các hạng mục công trình của Triệu Tấn. Cha Triệu Tấn là Triệu Thiếu Lân, nguyên Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô. Lợi dụng địa vị và mối quan hệ rất rộng của cha, Triệu Tấn đã hoành hành trên thị trường địa ốc suốt 20 năm, thành lập gần 100 công ty ở Nam Kinh, Tế Nam, Thiên Tân. Phía sau “đế quốc nhà đất” của Triệu Tấn là cả một nhóm lợi ích lớn, bao gồm Triệu Thiếu Lân, “bố nuôi” Hà Gia Thành (Phó giám đốc thường trực Học viện hành chính quốc gia), Vương Mẫn (Bí thư thành ủy Tế Nam). Dương Vệ Trạch (Bí thư thành ủy Nam Kinh), Chu Bản Thuận (Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc), Lệnh Kế Hoạch (Chánh văn phòng trung ương). Tờ “Tuần san Tin tức Trung Quốc” chỉ rõ: Triệu Tấn có thủ đoạn “kéo người xuống bùn” rất bẩn thỉu là dùng gái “chiêu đãi” quan chức rồi bí mật ghi hình để khống chế. Vương Mẫn, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư Tế Nam chính là người bị Tấn ghi hình tại hội sở ở Bắc Kinh, khi UBKTKLTW khám xét nơi này đã tìm thấy thẻ ghi hình và sử dụng làm manh mối để họ điều tra hạ gục Mẫn. Tấn bị bắt năm 2014, đến nay vẫn chưa xét xử; Triệu Thiếu Lân thì đã bị nhận án 4 năm tù, phạt 15 triệu tệ vào tháng 5/2017 vì các tội đưa hối lộ và lừa đảo mua ngoại tệ.

Một cặp cha con tham nhũng khác là Lưu Thiết Nam và Lưu Đức Thành. Tháng 12/2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia Lưu Thiết Nam bị kết án tù chung nhân, tịch thu toàn bộ tài sản vì tội nhận hối lộ. Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, hành vi tham nhũng của Nam có liên quan đến con trai.

Tháng 3/2016, Dương Thành Lâm, “đại Hổ” ngành tài chính Nội Mông – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ngân hàng cổ phần Nội Mông bị đưa ra xét xử vì phạm tội nhận hối lộ, tham ô, sử dụng trái phép tiền công tổng số tới 600 triệu tệ. Cùng ngồi trên ghế bị cáo với Lâm còn có con trai Dương Hải và người tình Trương Đình. Theo cơ quan công tố thì Dương Hải sau khi bị bắt đã tố giác cha vòi hối lộ 2 công ty số tiền lên tới 49 triệu tệ.

Anh em cùng “ngã ngựa”


Ba anh em trong gia tộc tham nhũng Lệnh Chính Sách, Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Hoàn Thành.

Ba anh em trong gia tộc tham nhũng Lệnh Chính Sách, Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Hoàn Thành.

Vụ việc điển hình, nổi tiếng nhất là anh em Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Chính Sách, Lệnh Hoàn Thành. Lệnh Kế Hoạch nguyên Bí thư, Chánh văn phòng TW khóa 17, đã nhận án chung thân năm 2016 vì phạm tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và chiếm đoạt trái phép tài liệu mật. Lệnh Chính Sách, anh trai Lệnh Kế Hoạch, Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây đã nhận án tù 12 năm 6 tháng về tội nhận hối lộ. Lệnh Hoàn Thành là em út đã cao chạy xa bay sang Mỹ.

Một trường hợp khác là 3 anh em Vương Mậu Toàn, Vương Mậu Kiến, Vương Mậu Thiết ở Sơn Tây. Trong đó Thiết là Bí thư thành ủy Vận Thành đã nhận án 15 năm tù vì nhận hối lộ, hai người anh đều đã bị khai trừ đảng và chuyển cơ quan pháp luật điều tra xử lý.

Theo Thu Thủy

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm