1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc "lên dây cót" chống dịch trước đợt di dân lớn nhất hành tinh

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính quyền Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trước khi đợt di dân lớn nhất hành tinh diễn ra ở nước này vào dịp Tết âm lịch.

Trung Quốc lên dây cót chống dịch trước đợt di dân lớn nhất hành tinh - 1

Người Trung Quốc di chuyển tại ga tàu dưới trời mưa tuyết ở tỉnh Giang Tô hôm 29/12. (Ảnh: Global Times)

Trung Quốc ngày 29/12 đã phát thông báo bán vé tàu Tết, báo hiệu đợt xuân vận trong dịp năm mới 2021. Xuân vận thường diễn ra trong khoảng 20 ngày trước và 20 ngày sau Tết, trong đó cao điểm vào một tuần trước và sau Tết. 

Đối với người dân Trung Quốc, những người đã trải qua đợt xuân vận đáng nhớ trong năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, thông báo bán vé tàu Tết đồng nghĩa với việc họ sắp chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ thường niên quan trọng nhất trong năm.

Lần này, người dân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di cư lớn nhất hành tinh, trong khi các ổ dịch mới vẫn bùng phát rải rác tại một số thành phố.

Những người từng bị bỏ lỡ cơ hội về nhà trong đợt xuân vận năm 2020 có thể được bù đắp trong đợt xuân vận năm nay, khi chính phủ Trung Quốc gần như kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh. Các cuộc gặp mặt gia đình và tụ tập bạn bè có thể được tổ chức trong dịp Tết 2021.

Tuy vậy, người dân Trung Quốc vẫn không thể quên những bài học đắt giá mà họ đã học được trong suốt một năm đương đầu với dịch bệnh. Những bài học đó đã làm thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, thậm chí định hình lại ký ức của họ.

Những người từng phải hy sinh niềm vui của ngày đoàn tụ với gia đình trong đợt xuân vận lần trước đã chia sẻ với Global Times rằng, họ sẽ không còn rơi vào tình cảnh khốn khổ như những ngày đầu dịch mới bùng phát ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019. Họ đã rút ra được những bài học sau một năm chống dịch.

Nhiều loại hình phương tiện sẽ được sử dụng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Trung Quốc trong đợt xuân vận, từ xe máy, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy cho tới máy bay. Theo CGTN, ước tính có khoảng 2,99 tỷ lượt người đi lại trong đợt xuân vận năm 2019, tăng 0,6% so với năm trước đó và đây là đợt di dân lớn nhất lịch sử nhân loại.Trong vòng 40 ngày, di chuyển bằng đường sắt vào khoảng 413 triệu lượt, hàng không 73 triệu lượt, đường thủy 43 triệu lượt và dẫn đầu là đường bộ với 2,46 tỷ lượt.

Trung Quốc đang chuẩn bị cho 407 triệu lượt khách di chuyển bằng đường sắt trong đợt xuân vận 2021, bắt đầu từ ngày 28/1 đến ngày 8/3, với 10,18 triệu lượt khách đi lại mỗi ngày. Đợt xuân vận năm nay diễn ra muộn hơn 18 ngày so với năm 2020. Tổng lượt hành khách di chuyển bằng đường sắt trong đợt xuân vận năm ngoái ở Trung Quốc ước tính khoảng 440 triệu với 11 triệu lượt khách mỗi ngày.

Trước khi đợt xuân vận, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã ban hành một số hướng dẫn về y tế công cộng và vệ sinh cá nhân, bao gồm các biện pháp phòng dịch Covid-19, khuyến cáo đi lại, đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng phương tiện công cộng và thực hiện giãn cách xã hội.

Người dân được khuyến cáo tránh tiếp xúc với gia cầm sống, không mua gia cầm sống, thay vào đó nên mua các sản phẩm đông lạnh đã được chứng minh an toàn.

Những khuyến cáo trên không còn xa lạ với người dân Trung Quốc, sau khi trải qua một năm biến động với dịch bệnh. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể lơ là cảnh giác trong bối cảnh Trung Quốc xuất hiện các ca nhiễm mới tại các tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Liêu Ninh, nhất là khi các ca nhiễm này không rõ nguồn gốc.

Bài học của Trung Quốc

Trung Quốc lên dây cót chống dịch trước đợt di dân lớn nhất hành tinh - 2

Xuân vận ở Trung Quốc được xem là cuộc di dân lớn nhất hành tinh. (Ảnh: Reuters)

"Khi nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 năm nay, tôi sẽ dùng từ "thiếu sót" để mô tả cách chúng ta ứng phó với dịch bệnh, thay vì từ "bài học"", Wang Guangfa, chuyên gia hô hấp tại Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Bắc Kinh, nói.

Đề cập tới "thiếu sót", ông Wang nói rằng Covid-19 là bệnh dịch mới và Trung Quốc cần thêm thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu. Việc thiếu hiểu biết và phương pháp chống dịch chưa hiệu quả trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán là những thiếu sót của Trung Quốc.

Quan trọng hơn, việc phớt lờ dịch bệnh truyền nhiễm, không đeo khẩu trang vào mùa đông, thói quen tụ tập tại một số khu vực nông thôn và cách quản lý cộng đồng còn thiếu sót khiến công tác chống dịch trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khn.

"Bây giờ, mọi người đều đeo khẩu trang", một nhân viên làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán cho biết.

Theo nhân viên trên, một năm trước, khi dịch "viêm phổi lạ" xuất hiện ở thành phố, cô rất khó để thuyết phục cha mẹ và người thân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng vì họ cho rằng việc đó không cần thiết.

Khi mùa đông tới gần, kéo theo các bệnh cảm lạnh, cảm cúm và bệnh về hô hấp, các nhân viên y tế tại Vũ Hán đã chuẩn bị đầy đủ cho kỳ nghỉ Tết sắp tới. Họ cũng được khuyên nên ở lại Vũ Hán để đề phòng tình huống khẩn cấp.

"Không phải do tình hình căng thẳng trở lại (do các ca nhiễm rải rác), mà vì không để mất cảnh giác", nữ nhân viên y tế cho biết.

CDC cũng khuyến cáo người dân ở vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao nên tránh di chuyển trong dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, những người ở khu vực có nguy cơ thấp không nên đến những nơi có nguy cơ cao. Ở Bắc Kinh, nơi ghi nhận các ca nhiễm mới, tất cả quận huyện, văn phòng và công ty được yêu cầu kích hoạt "tình trạng khẩn cấp" để thực thi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Cảnh giác cao

Trung Quốc lên dây cót chống dịch trước đợt di dân lớn nhất hành tinh - 3

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)

Các chuyên gia cấp cao của CDC, bao gồm nhà dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Zeng Guang, tin rằng, sau một năm tích lũy kinh nghiệm chống dịch, nguy cơ lặp lại tình trạng nghiêm trọng như đầu năm 2020 là thấp. Tuy nhiên ông Zeng cho rằng Trung Quốc vẫn cần đẩy mạnh việc phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 và tiêm vắc xin cho nhóm có nguy cơ cao trong thời gian sớm nhất có thể.

"Đối với mọi người dân Trung Quốc, cần phải rất thận trọng vì dịp Tết sắp tới sẽ là giai đoạn chống dịch quan trọng khi việc tiêm vắc xin trên quy mô lớn sắp diễn ra", ông Zeng nói.

Phần lớn lao động nhập cư tại các đô thị lớn đều muốn trở về nhà trong dịp Tết, trong đó nhiều người chưa được gặp gia đình trong cả năm nay. Tuy vậy, kỳ nghỉ Tết cũng là giai đoạn đỉnh cao của nguy cơ lây nhiễm.

Với khuyến cáo mới nhất của CDC, một số người lao động xa nhà nói rằng họ sẽ xem xét kỹ hướng dẫn trước khi đặt vé về nhà trong dịp Tết, vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm khi di chuyển khoảng cách xa. Một số người cho biết họ có thể sẽ không về quê trong dịp Tết năm nay.

Chuyên gia hô hấp Wang Guangfa dự đoán "cơn ác mộng như dịp Tết năm ngoái và việc phong tỏa thành phố sẽ không lặp lại" trong dịp Tết năm nay, sau khi Trung Quốc tích lũy nhiều kinh nghiệm về dịch bệnh và các biện pháp chống dịch. Ông Wang không tin rằng Trung Quốc sẽ ban hành lệnh cấm đi lại trong dịp Tết, bởi nếu mọi người vẫn tuân thủ các biện pháp chống dịch như hiện tại, Trung Quốc sẽ an toàn và mọi người sẽ có một kỳ nghỉ vui vẻ.

Tuy vậy, chuyên gia Wang cũng đưa ca cảnh báo về nguy cơ bùng phát các ổ dịch rải rác. "Một mồi lửa có thể tạo nên đám cháy kinh hoàng. Mọi người nên hủy các chuyến đi không cần thiết, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm", ông Wang nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm