1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc lập "con đường tơ lụa" trên Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc gần đây đã đề xuất thiết lập một "con đường tơ lụa" trên Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á để thúc đẩy thương mại. Nhưng đề xuất này của Bắc Kinh đã vấp phải sự hoài nghi từ các đối tác trong ASEAN.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thăm Indonesia hồi đầu tháng 10.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thăm Indonesia hồi đầu tháng 10.

Tháng 10 là một tháng quan trọng đối với ngành ngoại giao của Trung Quốc. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy chuyến thăm tới Đông Nam Á, sự chú ý của báo chí thế giới đã chuyển sang các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc - siêu cường đang lên trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có hàng loạt chuyến thăm tới các quốc gia Đông Nam Á hồi tuần trước. Con đường tơ lụa trên Biển Đông đã được nhắc đến trong các chuyến công du này.

Con đường tơ lụa trên biển hình thành trên cơ cở các kế hoạch nhằm tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Một dự án như vậy được sẽ được xây dựng trên cơ sở chính trị và các nền tảng kinh tế vững chắc, phù hợp với mong muốn chung của người dân Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, một bài bình luận của hãng tin Xinhua viết.

Với hàng thỏa thuận thương mại và các quỹ đầu tư, tham vọng của Bắc Kinh về một "con đường tơ lụa trên biển" với các quốc gia Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và các nhà quan sát trong khu vực.

Các chuyên gia cho hay, các nước láng giềng của Trung Quốc hoan nghênh quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai bên. Nhưng những nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh - và liệu các ràng buộc chính trị có gắn với dự án này hay không - dường như khiến một số người không muốn đi theo viễn cảnh hợp tác an ninh và chính trị với Trung Quốc về các vấn đề biển.

Mặc dù không có thông tin chi tiết về việc "con đường tơ lụa biển" hiện đại sẽ hình thành ra sao, nhiều người đã dự đoán về một mạng lưới các liên kết thương mại và sự kết nối tốt hơn giữa các cảng và các hoạt động hợp tác biển.

Các nhà phân tích cho hay các sáng kiến trên có thể tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Việc hồi sinh con đường tơ lụa biển đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất trong các chuyến thăm tới khu vực hồi tuần trước. Đó được xem là một phần chiến dịch vận động của Trung Quốc nhằm trốn tránh các căng thẳng dai dẳng ở Biển Đông và đối phó với việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á.

Gợi nhớ tuyến đường biển thương mại lịch sử vốn kết nối Trung Quốc với thế giới trong thế kỷ 15, viễn cảnh về một con đường tơ lụa mới trên biển cho thấy một cách tiếp cận có hệ thống của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng an ninh, chính trị và kinh tế trong khu vực.

"Con đường tơ lụa trên biển là một khái niệm mang tính biểu tượng nhiều hơn", Yang Baoyun, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Peking, nhận định.

Ông Yang cho hay mặc dù khái niệm vẫn cần làm rõ thêm, việc tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực có thể giúp giảm bớt các căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ.

Một nhân tố chính trong cách tiếp cận mới của Trung Quốc là thúc đẩy hợp tác biển, vốn bao gồm các dự án từ công nghệ biển và nghề cá cho tới an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn.

Các nước hoài nghi với Bắc Kinh

Nhưng sự hoài nghi chính trị lâu nay với Bắc Kinh và việc Trung Quốc thiếu thiện chí nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ vẫn là những thách thức lớn nhất.

Nhiều nhà phân tích xem Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN - được thiết lập vào giai đoạn đỉnh điểm của các căng thẳng ở Biển Đông hồi cuối năm 2011 - là một phần trong sáng kiến con đường tơ lụa trên biển.

Cả ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường trong các bài phát biểu hồi tuần trước đều kêu gọi các thành viên ASEAN "sử dụng tốt hơn" nguồn quỹ trên.

Nhưng nguồn quỹ trị giá 3 tỷ nhân dân tệ (493.000 USD) đã đối mặt với những do dự từ ASEAN do sự hoài nghi chính trị, theo một học giả Trung Quốc. "Họ nghĩ rằng Trung Quốc quá cứng nhắc trong việc bảo vệ chủ quyền và sử dụng quỹ đó để thỏa hiệp các lợi ích của họ", nhà học giả giấu tên nói.

Còn giáo sư Aileen Baviera, từ Đại học Philippines, cho rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á không muốn dùng quỹ đó vì e ngại các ràng buộc chính trị đi kèm.

Kusnanto Anggoro, giảng viên tại Đại học quốc phòng Indonesia, cho hay các lợi ích xung đột là nguyên nhân chính khiến các quốc gia ASEAN không sử dụng nguồn quỹ.

Trong khi Trung Quốc muốn tập trung vào các phạm trù không nhạy cảm như bảo tồn đa dạng sinh học, các quốc gia ASEAN lại thiên về các dự án như tuần tra thực thi pháp luật chung và an toàn hàng hải. "Và người Trung Quốc không thực hiện tốt việc tuân thủ và áp dụng", ông Anggoro nói.

Karl Lee, một nhà nghiên cứu tại Malaysia, cũng đồng tính với các quan điểm trên. Ông Lee cho rằng ASEAN vẫn không biết phải sử dụng quỹ hợp tác biển như thế nào, gần 2 năm sau khi nó được thiết lập.

"Ngoài thông báo được truyền đi trong các cơ quan chính phủ, cho tới nay Trung Quốc chỉ công bố một danh sách các lĩnh vực có thể hợp tác", ông Lee nói. Ông này nói thêm rằng danh sách này cũng chỉ được công bố trên một trang web của Trung Quốc.

Mặc dầu vậy, trên phương diện kinh tế, các chuyên gia cho hay ASEAN muốn hợp tác hơn nữa với Trung Quốc.

Ông Xu Liping, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho hay một dự án tiềm năng có thể chứng minh các mối liên kết giữa các cảng của Trung Quốc và ASEAN. "Một cách để thực hiện điều đó là xây dựng các khu công nghiệp tại các cảng của ASEAN", ông Xu nói.

Ông Lee đã nhắc tới cảng Kuantan của Malaysia, vốn có thể là một dự án thí điểm theo sáng kiến "con đường tơ lụa trên biển".

Có thông tin cho biết cảng Kuantan, nằm bên bờ Biển Đông, đang được mở rộng gấp đôi công xuất. Tập đoàn cảng quốc tế Guangxi Beibu Gulf của Trung Quốc dự kiến sẽ mua 40% cổ phần cảng này trong năm tới.

An Bình