1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc lần đầu "chỉ mặt đặt tên" các nhóm lợi ích trong đảng

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối tuần qua đã có động thái hiếm thấy, khi “chỉ mặt đặt tên” các phe phái cụ thể trong đảng Cộng Sản cầm quyền tại nước này, và nêu tên những nhân vật then chốt thuộc phe cánh của Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch.

Ông Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra tham nhũng (Ảnh:
Ông Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra tham nhũng (Ảnh: AP)

Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, với mục tiêu bài trừ tham quan, từ “hạng ruồi” cho tới “những con hổ” quyền lực.

Trong chiến dịch này, hàng loạt quan chức và cựu quan chức cấp cao, trong đó có nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, nguyên chánh văn phòng trung ương đảng Lệnh Kế Hoạch…đã bị “đả”.

Cuối tuần qua, trong một bài viết được đăng tải trên một trang tin trực thuộc, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã nêu tên một số quan chức cấp cao đã “ngã ngựa” là có dính líu tới cái gọi là “Nhóm Sơn Tây”, “Nhóm Bí thư” và “Nhóm dầu khí”.

Bộ chính trị Trung Quốc trong cuộc họp hồi tuần trước khẳng định sẽ không dung thứ cho các quan chức lập ra các nhóm chính trị vì mục đích kinh doanh cá nhân.

Trong một bài báo khác, Tân Hoa Xã khẳng định chỉ “những người dũng cảm” mới dám đối mặt với rủi ro và thách thức để “tuyên chiến” với các nhóm lợi ích, xử lý các vấn đề tận gốc rễ trong đảng.

Bài viết khẳng định việc điều tra các quan chức đã “ngã ngựa” khiến công chúng tin rằng chính quyền quyết tâm bài trừ tham nhũng. Ông Tập không phải truy lùng “những con hổ” “mà không tính tới hậu quả”. “Nhưng chúng ta đã xác định được nhiệm vụ và mục đích của đảng, cũng như kỳ vọng của nhân dân”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập, mà không nêu rõ tuyên bố này được đưa ra tại đâu, khi nào.

Bài báo đầu tiên khẳng định các thành viên của “Nhóm bí thư” gồm một số nhân vật thân tín hàng đầu và cựu thư ký riêng của ông Chu, trong đó có phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên Guo Yongxiang, cựu chủ tịch Ủy ban cố vấn chính trị Tứ Xuyên Li Chongxi và cựu phó chủ tịch tỉnh Hải Nam Ji Wenlin.

“Nhóm dầu khí” gồm có Tưởng Khiết Mẫn, một trợ thủ khác của ông Chu, và từng là chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia cùng các cấp dưới của Tưởng. Trong khi đó Lệnh Kế Hoạch được xem là thành viên “Nhóm Sơn Tây”, Tân Hoa Xã cho biết.

Hãng thông tấn này cho biết đằng sau “những con hổ” bị hạ bệ thường có những phe cánh tồn tại công khai hoặc bí mật, những kẻ gây nguy hại lớn cho đảng.

Zhang Ming, một giáo sư chính trị tại đại học Renmin cho biết truyền thông Trung Quốc đại lục từ lâu đã đề cập sự tồn tại của 3 “băng đảng” này, nhưng việc Tân Hoa Xã nêu tên chúng cho thấy lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sẵn sàng thừa nhận có sự tồn tại ấy.

“Ít nhất nó có nghĩa là có những phe cánh và các nhóm lợi ích khác nhau trong đảng”, Zhang nói.

Dù vậy, Tân Hoa Xã đã không đề cập tới các nhóm khác mà những dư luận vẫn nêu ra như “nhóm cậu ấm”, “nhóm Thượng Hải” và “nhóm Hội thanh niên”, vốn có nhiều ảnh hưởng trong hậu trường, vị giáo sư nói.

Thanh Tùng
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm