1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc lại thử phản ứng dư luận

Ngày 9/9, tờ Nikkei (Nhật Bản) cho rằng, Bắc Kinh đang đẩy nhanh thảo luận kế hoạch cải cách quy mô lớn đối với quân đội Trung Quốc (TQ).

Trung Quốc lại thử phản ứng dư luận - 1

Các binh sỹ Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Nguồn: THX/TTXVN)

Còn theo nhận định của chuyên gia Barthelemy Courmont, Giám đốc Viện Nghiên cứu Các quan hệ quốc tế và Chiến lược (Pháp), Bắc Kinh muốn thông qua lễ duyệt binh hôm 3/9 để khoe quân đội hiện đại và đã tinh gọn.

Tạp chí Challenges (Pháp) cho rằng, Bắc Kinh đang đóng tàu sân bay thứ hai, phát triển 2 dự án máy bay tiêm kích Thành Đô J-20, Thẩm Dương J-31 và tăng số tàu ngầm để vượt Mỹ (71 chiếc). Trước đó (2/9), Tạp chí quốc phòng IHS (Anh) dự báo, ngân sách quốc phòng của TQ sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020, từ 134 tỉ USD lên 260 tỉ USD.

Điều đáng nói là, tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng chỉ chiếm 1,7% GDP, nhưng nếu tính giá trị tuyệt đối thì đây là con số lớn. Bởi chỉ với 190 tỉ USD năm 2015, số tiền này đã chiếm 11% tổng ngân sách quốc phòng thế giới, gấp 4 lần Pháp (52 tỉ USD) và chỉ đứng sau Mỹ (587 tỉ USD).

Theo Hãng PTI, khi phát biểu tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng (IDSA) ở New Delhi, Ấn Độ hôm 2/9, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã chỉ trích gay gắt hành động bành trướng quân sự của TQ tại Biển Đông. Đồng thời cảnh báo, những hành động “hăm dọa và gây hấn” tại các vùng biển tranh chấp sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng.

Ông Kevin Andrews còn cho rằng, TQ phải làm rõ ý đồ chiến lược của họ; đồng thời nhấn mạnh, tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo cách hòa bình, phản đối sử dụng biện pháp dọa nạt và gây hấn.

Cũng trong ngày 2/9, tờ Thời báo Tài chính (Anh) nhận định, tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong 21D (DF-21D) của TQ có thể trở thành mối đe dọa, làm thay đổi cán cân quân sự ở phía Tây Thái Bình Dương. Theo giới chuyên gia quân sự Phương Tây, DF-21D có tầm bắn từ 900km đến 1.500km, và có thể đạt vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10). Do đó, sức mạnh trên biển của Mỹ sẽ bị đe dọa.

Trung Quốc lại thử phản ứng dư luận - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter

Cùng ngày 2/9, tờ Tin tức tham khảo (TQ) dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khi ông Ashton Carter tái khẳng định, Washington sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở Biển Đông trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế. Đồng thời cho rằng, chiến lược “xoay trục” - tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ chính là duy trì một cấu trúc an ninh vững chắc, hiệu quả và chặt chẽ để bảo đảm mỗi quốc gia đều có cơ hội tiếp tục trỗi dậy.

Ngày 3/9, Bộ Tư lệnh tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đã tổ chức lễ bàn giao giữa 2 tư lệnh ở căn cứ Hải quân Trân Châu Cảng, Hawaii. Bởi Chuẩn đô đốc Frederick Roegge được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm là Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, để trở thành tân Tư lệnh của Bộ Tư lệnh tàu ngầm.

Và tại lễ bàn giao kể trên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ, Đô đốc Cecil Haney, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương nhận định, hòa bình và ổn định tại khu vực Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi các hoạt động gây hấn của TQ. Dư luận cho rằng, trước việc TQ tăng cường hoạt động ở Biển Đông đã khiến Mỹ buộc phải tăng cường hoạt động trinh sát của đội tàu ngầm ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc lại thử phản ứng dư luận - 3

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews

Ngày 5/9, tờ South China Morning Post cho biết, TQ sẽ cắt giảm ít nhất 170.000 sĩ quan từ thiếu úy đến đại úy, cùng 2 quân khu và 3 quân đoàn thời gian tới. Và việc này diễn ra theo kế hoạch cải tổ quân đội đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình thông qua. Quân đội TQ có 18 quân đoàn, tập trung ở 7 quân khu (Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Thành Đô, Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu) và chưa biết quân khu nào sẽ bị giải thể. Sau cải tổ, quân đội TQ chỉ còn 5 quân khu với 15 quân đoàn.

Ngày 4/9, tờ Tầm nhìn của Nga dẫn thông tin từ Tân Hoa xã cho biết, chương trình cắt giảm quân số sẽ bắt đầu từ năm 2017 nhằm "giảm số lượng để nâng cao chất lượng, tối ưu hóa cấu trúc quân đội". Theo tờ Tầm nhìn, từ năm 2009 đã có tin nói rằng, Bắc Kinh có thể cắt giảm tới 700.000 binh sĩ. Đến năm 2011, lại có đồn đoán cho rằng, con số này có thể tăng lên 800.000 người. Nhiều người nhận định, việc cắt giảm 300.000 quân không có ý nghĩa gì bởi chi tiêu quân sự không vì vấn đề này mà bị cắt giảm.

Theo ông Vasily Kashin, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, việc cắt giảm là điều dễ hiểu vì nó đã trở nên dư thừa sau khi Bắc Kinh có sự phân phối lại lực lượng. Hơn nữa, mức giảm này không gây ra mối đe dọa nào đối với sức mạnh tổng thể của quân đội TQ vì nó đã được bù đắp bằng các loại vũ khí công nghệ cao. Ông Vasily Kashin cho rằng, ưu tiên của TQ trong tương lai là phát triển hải quân thành lực lượng chiến lược.

Tờ Expert của Nga còn nhận định, xu hướng cắt giảm này cũng dễ hiểu khi ông Tập Cận Bình là người chủ trương tăng khả năng chiến đấu cho quân đội thông qua việc hiện đại hóa vũ khí và cắt giảm biên chế. Cho tới nay TQ vẫn là quốc gia có đội quân lớn nhất thế giới (khoảng 2,3 triệu người) và đứng thứ hai toàn cầu về chi tiêu quân sự.

1 tháng trước (11/8), tại cuộc tham vấn thường niên Brunei - Malaysia ở Brunei (có Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Malaysia Najib Rarak cùng dự), Brunei và Malaysia đã quyết định hợp tác khai thác tại 2 khu vực dầu khí CA1 và CA2 trên biên giới chung ở Biển Đông.

Thủ tướng Najib Rarak cho biết, khai thác dầu khí sẽ được Malaysia và Brunei hợp tác trong khu vực có chồng lấn bởi vấn đề tranh chấp hàng hải đã được giải quyết. Từ năm 2009, Brunei và Malaysia đã trao đổi công hàm nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề biên giới trên biển, để thiết lập khu vực khai thác dầu khí chung và ấn định thể thức phân giới trên bộ.

Cũng trong ngày 11/8, tờ Sydney Morning Herald dẫn nhận định của Giáo sư Ross Babbage, nguyên cố vấn đặc biệt của Bộ Quốc phòng Australia, lần đầu tiên sau Thế chiến II có khả năng sẽ xảy ra xung đột giữa các nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Quan ngại này xuất phát từ hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của TQ ở Biển Đông.

Theo Tuấn Quỳnh

PetroTimes

Trung Quốc lại thử phản ứng dư luận - 4