1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lại thổi phồng mối nguy từ tàu ngầm Việt Nam

Trong khi đưa tin thổi phồng về mối đe dọa từ tàu ngầm Việt Nam thì chính Trung Quốc đang tạo ra bất ổn trong khu vực.

Sau khi nói về mối nguy hiểm của tàu ngầm Kilo Việt Nam với toàn bộ đảo Hải Nam hồi đầu tháng 1/2015 của tờ Hoàn Cầu, đến ngày 27/1, tờ Tuyền Châu vãn báo (Trung Quốc) tiếp tục có bài viết về thực lực tàu ngầm của các nước trong khu vực, trong đó có cả Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Sau đó, bài viết đã lớn tiếng cho rằng, Hải quân Trung Quốc đang phải đối mặt với các thách thức ở dưới biển.

Theo phân tích của bài viết, trước đây, Việt Nam đã không hề coi trọng năng lực tác chiến của lực lượng tàu ngầm. Vì vậy, Hải quân Việt Nam chỉ sở hữu 2 chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yugo - loại tàu ngầm thường chỉ dùng được vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu.
 
Bộ đôi tàu ngầm HQ-182 và HQ-183 tại quân cảng Cam Ranh
Bộ đôi tàu ngầm HQ-182 và HQ-183 tại quân cảng Cam Ranh

Tuy nhiên, chiến lược của Việt Nam đã thay đổi và Hà Nội đã bắt đầu tăng cường sức mạnh ngầm từ năm 2009 bằng bản hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất.

Tính đến thời điểm hiện tại, phía Nga đã bàn giao cho Việt Nam 4 chiếc, và theo các điều khoản được ký kết, trước khi kết thúc năm 2016, nhà sản xuất Nga phải bàn giao đầy đủ 6 chiếc cho đối tác Việt Nam.

Sau khi nói về việc mua sắm tàu ngầm của Việt Nam, bài viết cho rằng, sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Việt Nam là không thể xem thường. Tàu ngầm lớp Kilo có thể bắn tên lửa 3М-14E Club-S tầm bắn gần 300 km, tiến hành tấn công ngoài tầm nhìn đối với tàu chiến đối phương.

Cuối cùng bài báo kết luận rằng, Việt Nam hy vọng dựa vào tàu ngầm lớp Kilo với số lượng hạn để năng lực hải quân của mình thay đổi triệt để là không thực tế lắm.

Theo phân tích, nguyên nhân là bởi: Dù tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến, nhưng các trang bị chiến đấu chủ yếu khác của Hải quân Việt Nam phần lớn không thể hình thành năng lực tác chiến đồng bộ và có hệ thống với tàu ngầm tiên tiến.

Trước khi tờ Tuyền Châu vãn báo đăng tải bài viết này, hồi đầu tháng 1/2015, tờ Thời báo Hoàn cầu cũng có bài viết 'ca ngợi' sức mạnh hạm đội tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam.

Theo tờ báo này, sáu tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga chắc chắn sẽ được sử dụng một khi quân đồn trú Việt Nam ở quần đảo Trường Sa bị phong tỏa.

Hải quân Việt Nam đã nhận được từ Nga 3 tàu ngầm lớp Kilo. Tất cả các tàu này đều được trang bị tên lửa hành trình 3М-14E Club-S. Tên lửa này có tầm trên 280 km và có thể vươn tới Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, nơi đặt bộ tư lệnh hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.

Tờ Hoàn cầu nhận định, các căn cứ hải quân chính của Trung Quốc đặt tại đảo Hải Nam cũng nằm trong tầm với của các tên lửa của tàu ngầm Việt Nam. Ngoài ra, các tàu ngầm lớp Kilo có thể tấn công các hạm tàu bằng ngư lôi GE2-01.

Thời báo Hoàn cầu cũng cho hay, Trung Quốc đã phái tới đảo Hải Nam 3 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn lớp Tấn Type 094 để phòng ngừa bùng nổ xung đột vì quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng có thể triển khai ở khu vực này các tàu ngầm lớp Thương Type 093 nếu cần.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang sử dụng các tàu ngầm Nga trong thời gian khá dài và hiểu biết sâu sắc về các mặt yếu của tàu ngầm Kilo.

Vì thế, tờ báo kết luận, Hải quân Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn để gây tổn thất nghiêm trọng cho các tàu ngầm cùng loại khi xảy ra xung đột quân sự. Tuy nhiên sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Việt Nam vẫn có thể khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải kính nể, Thời báo Hoàn cầu viết.
 
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt