1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lại "giăng bẫy" về chủ quyền trên Biển Đông

Các chuyên gia quốc tế nhận định, việc đưa ra quy định mới lần này về đánh bắt cá là một cách để Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.

Tháng 11/2013, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quy định mới của tỉnh Hải Nam. Theo đó, các tàu cá nước ngoài khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cho rằng thuộc khu vực hàng hải tỉnh Hải Nam phải được sự cho phép của chính quyền địa phương, nếu không sẽ bị chế tài bởi các quy định xử lý đặc biệt.

Theo báo chí Trung Quốc đưa tin, quy định mới được đưa ra vào ngày 29/11 và công bố trên các phương tiện truyền thông quốc gia ngày 3/12, như một phần của chính sách thực thi luật thủy sản của Trung Quốc.

Quản lý tài nguyên hay khẳng định chủ quyền?

Theo số liệu của chính quyền địa phương (2011), quy định này sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát hơn 2 triệu km2 nước, trên tổng diện tích Biển Đông là 3,5 triệu km2. Như vậy, Trung Quốc đã tự cho mình quyền kiểm soát hơn 1/2 khu vực Biển Đông.

Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, cơ quan thực thi luật pháp Trung Quốc sẽ trục xuất bất kỳ tàu cá nước ngoài vào vùng biển mà không được phép và tịch thu thiết bị đánh cá của họ. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị phạt 500.000 nhân dân tệ (khoảng 82.600 đôla Mỹ). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và đoàn của họ sẽ bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

Có thể nói, việc Bắc Kinh đưa ra quy định kiểm soát này cũng mang hàm ý như tuyên bố "đường lưỡi bò" hay ADIZ từng đưa ra. Tuy nhiên, có vẻ hai động thái trước đây chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì thế, lần này Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố pháp lý rắn rỏi hơn và ngang nhiên thách thức chủ quyền với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông.

Sự kiện nhãn tiền minh chứng cho quyết tâm lần này, như truyền thông quốc tế loan tin là, tàu Trung Quốc đã tấn công tàu cá "lạ".

Đội tàu cá của Trung Quốc tiến vào Biển Đông đánh bắt hải sản hồi tháng 8/2013. Ảnh: Tân Hoa xã.

Đội tàu cá của Trung Quốc tiến vào Biển Đông đánh bắt hải sản hồi tháng 8/2013. Ảnh: Tân Hoa xã.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, việc đưa ra quy định mới lần này là một cách để Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc nhận định: "Các quy định mới là ví dụ mới nhất về việc Trung Quốc sử dụng các quy định và pháp luật trong nước để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán của mình".

Ông cũng lưu ý: "Bằng cách ban hành các quy định, Trung Quốc có thể buộc các nước đáp ứng những cơ sở pháp lý cho tuyên bố của Trung Quốc; từ đó vô tình rơi vào cái bẫy công nhận tồn tại tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc".

Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận điều này. Họ cho rằng quy định mới chỉ nhằm mục đích tăng cường an ninh cho nguồn lợi thủy sản, cũng như sử dụng và khai thác chúng một cách hợp lý.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng, đó hoàn toàn là việc thi hành một quy định hiển nhiên. Bà này cho rằng: "Trung Quốc là một quốc gia hàng hải, vì vậy việc thiết lập quy định trong khu vực theo luật pháp quốc gia để điều chỉnh việc bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật biển là hoàn toàn bình thường."

Các quan chức tại Hải Nam cho biết quy định mới là nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương. Chen Qinghong, nghiên cứu viên tại Viện Trung Quốc cho biết, "quy định chỉ là một bước để Hải Nam hoàn thành các quy định nghề cá địa phương và chuẩn hóa việc thực thi pháp luật". Bà cũng nhấn mạnh rằng quy định này đã bị cường điệu hoá bởi các phương tiện truyền thông quốc tế.

Dùng quy định đối đầu pháp lý?

Mặc cho những biện giải, giới chức Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với những lập luận cho rằng các quy định này đã vi phạm nghiêm trọng Luật biển quốc tế.

Một quan chức hải quân cấp cao Philippines cho biết, các quy định này đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ông cho rằng Trung Quốc chỉ có quyền thực thi các biện pháp này bên trong lãnh hải của họ, tức là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cách 200 dặm từ tỉnh Hải Nam. Trước đó, Philippines cũng đã chỉ trích những luận điệu của Trung Quốc về "đường chín đoạn", và đưa vụ việc ra tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc. Philippines cho rằng "đường chín đoạn" của Trung Quốc hoàn toàn trái với UNCLOS.

Còn theo Phó GS Taylor Fravel, thành viên Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), quy tắc mới phản ánh mong muốn của Bắc Kinh tiếp tục khẳng định chủ quyền trên biển theo một hình thức không phù hợp với UNCLOS.

Mối quan tâm hiện nay tập trung vào Điều 35 của quy tắc đánh cá mới của Hải Nam. Điều 35 quy định "người nước ngoài hoặc tàu cá nước ngoài vào vùng biển được quản lý bởi Hải Nam và tham gia vào sản xuất thủy sản, khảo sát nguồn lợi thủy sản nên nhận được sự chấp thuận của các phòng ban có liên quan của Hội đồng Nhà nước". Nếu được thực hiện, các biện pháp này sẽ kiểm soát việc đánh cá trong toàn bộ "khu vực biển được quản lý bởi Hải Nam".

Trên thực tế, các quy tắc này hầu như lặp lại nguyên văn Khoản 2, Điều 8 của Luật thủy sản Trung Quốc năm 2004, trong đó nói rằng các tàu đánh cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển được quản lý bởi Trung Quốc nên nhận được sự chấp thuận của cơ quan Hội đồng Nhà nước có liên quan. Có nghĩa là, nếu các quy tắc mới khẳng định việc áp dụng pháp luật quốc gia năm 2004 cho vùng biển Hải Nam thì đồng nghĩa Trung Quốc đã gián tiếp công nhận vùng biển đó thuộc chủ quyền của mình.

Quy định năm 2013 của Hải Nam không nêu rõ cách tỉnh này dự định điều chỉnh sự hiện diện của tàu cá nước ngoài, cơ quan nào chịu trách nhiệm hoặc quy tắc nào sẽ được sử dụng.

Với việc tuyên bố quy định dưới hình thức của chính quyền địa phương chứ không phải là một phần chính sách quốc gia, Bắc Kinh mong muốn có thể làm chệch hướng những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Chiêu bài "tung hỏa mù" lần này nhằm để tiếp tục và tái khẳng định yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông. Nếu các quốc gia trong khu vực nhượng bộ, Trung Quốc sẽ càng lấn tới. Ngược lại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục các "chiêu trò" mới trong chuỗi khẳng định chủ quyền nhằm khiến Biển Đông luôn dậy sóng.

Tuy nhiên, Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và chuyên gia vụ Trung Quốc John Tkacik cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á có thể thách thức các khu vực cấm đánh cá mới thông qua UNCLOS. Ông nhận định: "Với tuyên bố lần này, Trung Quốc rõ ràng đang coi thường UNCLOS." Cũng vì vậy mà tình hình Biển Đông sắp tới sẽ có khá nhiều biến động. Trong đó, tiếng nói của ASEAN và các cường quốc là rất quan trọng.

Theo Huỳnh Tâm Sáng - Hồ Hải Yến
Vietnamnet