1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc kêu gọi một đồng tiền chung quốc tế mới

(Dân trí) - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng một đồng tiền quốc tế mới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác lập để thay thế đồng USD. Tổng thống Mỹ Barack Obama và hai quan chức kinh tế hàng đầu của ông lập tức bác bỏ đề xuất này.

Trung Quốc kêu gọi một đồng tiền chung quốc tế mới - 1
Ông Chu Tiểu Xuyên.
 
Trong một bài viết đăng trên trang web của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 23/3, Thống đốc ngân hàng này Chu Tiểu Xuyên đề xuất dùng đồng SDR (tên gọi tiếng Anh là Special Drawing Right) do IMF xác lập hồi năm 1969 làm đồng tiền dự trữ với lập luận đồng tiền này không dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách của những quốc gia riêng lẻ. Ông nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy những mối nguy hiểm của việc dựa vào một loại tiền tệ.

Theo lời ông Chu, đồng USD “có thể cuối cùng sẽ bị đẩy khỏi vị thế đồng tiền dự trữ chính của thế giới”. Ông Chu nói: "Vai trò của đồng SDR chưa được phát huy một cách đầy đủ do những hạn chế sử dụng và phạm vi sử dụng. Tuy nhiên, đơn vị tiền tệ này đóng vai trò như ánh sáng cuối đường hầm trong việc cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế".

Tuyên bố của ông Chu được đưa ra ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London vào ngày 2/4 tới mà tại đây, vấn đề cải tổ hệ thống tài chính quốc tế sẽ đi đầu trong nghị trình bàn thảo. 

Phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF, ông John Lipsky, hôm qua cho rằng Trung Quốc đã có một đề xuất "nghiêm túc", mặc dù đây không phải là ý tưởng mới vì đã có nhiều tổ chức đa phương nghĩ tới trước đó.
 
Tuần trước, Nga cho biết, tại hội nghị G20 này, Nga sẽ đề xuất đưa vào sử dụng một đồng tiền chung toàn cầu mới. Nga khẳng định đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong số các nền kinh tế đang nổi gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nam Phi. Nhưng ông Lipsky thừa nhận, đồng tiền chung toàn cầu mới phải là vấn đề dài hạn cần nghiên cứu và cân nhắc nghiêm túc.
 
IMF trước đó cho rằng ý tưởng về một đồng tiền chung toàn cầu cho thấy mối quan ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu, sau khi cả Trung Quốc và Nga thúc giục xem xét lại toàn bộ hệ thống tiền tệ toàn cầu.
 
Với lượng dự trữ tiền tệ lớn nhất thế giới, 2.000 tỷ USD, Trung Quốc là quốc gia nắm giữ lượng tài sản tiền USD nhiều nhất. Trung Quốc lâu nay cảm thấy không mấy thuận tiện khi phải dựa vào đồng USD trong các giao dịch thương mại và dự trữ. Gần đây, Bắc Kinh đã tỏ ý lo ngại rằng các nỗ lực của Washington nhằm cứu kinh tế Mỹ có thể sẽ làm mất giá đồng USD.
 
Các nhà phân tích kinh tế Trung Quốc cho rằng sự thống trị của đồng tiền Mỹ trong hệ thống tài chính đã khiến cho các cơn khủng hoảng xuất hiện thường xuyên hơn kể từ khi hệ thống áp dụng tỷ giá hối đoái cố định bị sụp đổ hồi đầu thập niên 1970.

“Tôi không cho là cần phải có một đồng tiền chung toàn cầu”, ông Obama nói trước báo giới, nhấn mạnh rằng đồng USD hiện thực sự là đồng tiền mạnh.

Tổng thống Obama cho rằng đồng USD mạnh như hiện nay phản ánh lòng tin ngày càng tăng đối với triển vọng của Mỹ và những nỗ lực của chính phủ mang lại sức sống cho nền kinh tế.
 
Thủ tướng Australia Kevin Rudd đang ở thăm Washington ủng hộ ý kiến của Obama khi khẳng định vị trí của đồng USD như là đồng ngoại tệ dự trữ vẫn không thay đổi. Trong khi đó, ngày 24/3, đồng USD suy yếu so với hầu hết các ngoại tệ mạnh khác sau khi Mỹ ra tuyên bố về kế hoạch mua nợ xấu.

Nguyễn Viết
Theo Reuters, AP, BBC