1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc hưởng lợi gì nếu thương vụ vũ khí Mỹ, Ả-rập Xê-út trục trặc?

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh quan hệ với Ả-rập Xê-út trong bối cảnh Washington và Riyadh có thể “xích mích” vì vụ nhà báo mất tích. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như sẽ khó lòng để thay thế được vị trí nhà cung cấp vũ khí của Mỹ với quốc gia Trung Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel al-Jubeir (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel al-Jubeir (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 16/10 đã tới thủ đô Riyadh để thảo luận với lãnh đạo quốc gia Trung Đông về vụ mất tích nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Jamal Khashoggi, một cây viết bình luận cho Washington Post, xuất hiện lần cuối cùng là khi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Istanbul ngày 2/10. Hôn thê của ông chờ bên ngoài và khẳng định rằng không thấy ông đi ra kể từ đó. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, Jamal Khashoggi có thể đã bị một biệt đội sát thủ sát hại và Ả rập Xê út phải chịu trách nhiệm cho việc đó.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS ngày 12/10, Tổng thống Trump cảnh báo, Ả rập Xê út sẽ phải đối mặt với "các lệnh trừng phạt nặng nề" nếu đứng sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi nghi bị sát hại.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, ông Trump dường như tỏ ra băn khoăn với phương án trừng phạt đồng minh ở Trung Đông, cho rằng động thái này có thể ảnh hưởng tới thương vụ vũ khí trị giá 110 tỷ USD giữa Washington và Riyadh.

“Tôi không ủng hộ viễn cảnh khoản tiền 110 tỷ USD đầu tư vào Mỹ sẽ bị ngăn lại vì bạn biết họ (Ả-rập Xê-út) có thể làm gì không? Họ sẽ dùng số tiền đó trả cho Nga và Trung Quốc (để mua vũ khí) hoặc một nơi nào khác”, ông Trump lý giải.

Ả-rập Xê-út từ lâu đã giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và đã bắt tay nhiều hơn trong các hoạt động thương mại với Trung Quốc. Kim ngạch giao thương giữa 2 nước trong năm 2017 đạt 42,36 tỷ USD. Tháng 3 năm ngoái, 2 quốc gia ký thông qua thương vụ trị giá 65 tỷ USD hợp tác trong các lĩnh vực từ năng lượng tới công nghệ vũ trụ.

Sau cảnh báo từ Mỹ, báo Al Arabiya của Ả-rập Xê-út đăng bài xã luận tuyên bố rằng quốc gia Trung Đông có thể sẽ hướng sang Trung Quốc và Nga để bù đắp lại nhu cầu về vũ khí quân sự nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Riyadh. Bài viết cũng cảnh báo rằng, với vị thế nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Ả-rập Xê-út có hơn 30 biện pháp đáp trả Mỹ, bao gồm cả việc giao thương dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc thay vì USD.

Tuy nhiên, về mặt quân sự, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Ả-rập Xê-út còn kém xa so với Mỹ và các đồng minh châu Âu. Bắc Kinh chỉ xuất sang Riyadh lượng vũ khí tương đương 20 triệu USD trong năm 2017, con số nhỏ bé khi so với 3,4 tỷ USD từ Washington, theo dữ liệu từ tổ chức Peace Research (Thụy Điển).

Chính phủ Mỹ vừa thông qua thương vụ bán hệ thống tên lửa phòng thủ uy lực THAAD cho Ả-rập Xê-út hồi tháng 10 năm ngoái (Ảnh minh họa: Reuters)
Chính phủ Mỹ vừa thông qua thương vụ bán hệ thống tên lửa phòng thủ uy lực THAAD cho Ả-rập Xê-út hồi tháng 10 năm ngoái (Ảnh minh họa: Reuters)

Jonathan Fulton, một nhà nghiên cứu từ đại học Zayed ở UAE cho rằng, Trung Quốc dường như đang muốn đẩy mạnh xây dựng quan hệ trong ngành công nghiệp vũ khí ở khu vực Trung Đông và có thể xen vào trở thành “ngư ông đắc lợi” nếu quan hệ Mỹ và Ả-rập Xê-út có trục trặc. Thêm vào đó, tuyên bố của Riyadh rằng họ có thể giao dịch bằng nhân dân tệ với các thương vụ dầu mỏ được coi là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa 2 nước có mức độ tiến triển nhất định.

Ông Trump cũng đang gặp phải áp lực từ nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng yêu cầu ông phải quyết liệt hơn nữa với Riyadh, mở đầu bằng việc không cử đòa Mỹ tới tham gia diễn đàn đầu tư “Davos ở Sa mạc” trong tháng này ở Riyadh để phản đối Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng còn quá sớm để nhận định về tình hình quan hệ giữa 2 nước ở thời điểm hiện tại.

“Tôi kỳ vọng Ả-rập Xê-út sẽ có động thái làm giảm căng thẳng vì tôi tin rằng họ không muốn làm tổn hại mối quan hệ này. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn còn ở phía sau Mỹ về sức mạnh và công nghệ vũ khí. Họ không thể lấp đầy khoảng trống của Mỹ bỏ lại lúc này (cho Ả-rập Xê-út)”, ông Fulton nhận định.

Trong khi đó, ông Robert Mason, giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học American ở Ai Cập, cho rằng Trung Quốc có thể sẽ không lợi dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông vì chưa có gì là chắc chắn và Bắc Kinh trong lúc này chưa thể có những hành động khiến căng thẳng của họ với Trung Quốc tiếp tục leo thang.

Ông Mason nhận định tại Trung Đông, Ả-rập Xê-út vẫn là một đồng minh thân thiết của Mỹ trong chiến dịch hợp tác chống khủng bố, cũng như kiềm tỏa sức mạnh của Iran trong khu vực. Vì vậy, không dễ gì Mỹ có thể thay đổi chính sách kéo dài hàng chục năm qua vì vụ việc này.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm