Trung Quốc hứng hậu quả nhãn tiền vì đòn thương mại "giáng" lên Australia
(Dân trí) - Việc Trung Quốc cấm mặt hàng than đá từ Australia khi 2 nước căng thẳng thương mại đã khiến Bắc Kinh chịu hậu quả thiếu điện sử dụng và giới quan sát cảnh báo đó có thể chưa phải là điều tệ nhất.
Theo News.com.au, kế hoạch của Trung Quốc nhằm gây "tổn thương" cho nền kinh tế Australia có thể khiến Bắc Kinh nhận lại hậu quả nghiêm trọng.
Hàng chục thành phố và ít nhất 4 tỉnh ở Trung Quốc đang phải hứng chịu khó khăn trong những ngày đầu mùa đông khi chính quyền ban hành quy định mới về việc hàng triệu người dân và doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng điện tiêu thụ.
Theo News.com.au, nhiều tòa nhà chọc trời đã phải tắt điện, đường phố trở nên tối tăm và nhà máy phải cắt giảm giờ làm để đối mặt với điều mà giới quan sát mô tả là "cuộc khủng hoảng điện năng chưa từng có tiền lệ". Một phần nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do Trung Quốc đã quyết định cấm nhập than đá Australia trong bối cảnh 2 nước đang leo thang căng thẳng thương mại.
Theo một thống kê, Australia cung cấp 57% lượng than nhiệt của Trung Quốc trong năm 2019. Loại than này được dùng để sản sinh ra điện. Tuy nhiên, News.com.au cho biết việc Trung Quốc cấm nhập than từ Australia khiến giá mặt hàng này tại quốc gia Đông Á tăng vọt kể từ tháng 10. Căng thẳng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng giới chuyên gia nhận định Trung Quốc giờ đây có thể muốn cân nhắc lại lập trường trước khi đối mặt với thiệt hại lớn hơn.
Tiến sĩ Jeffrey Wilson từ trung tâm Perth USAsia (Australia) nhận định rằng dù Trung Quốc đã có nhiều động thái cứng rắn với Australia trong thời gian qua nhưng Bắc Kinh có một điểm yếu là sự phụ thuộc ở một mức độ nhất định vào hàng hóa từ Canberra.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã trở nên xấu đi rõ rệt trong năm nay kể từ sự kiện chính phủ Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19, điều khiến Bắc Kinh không hài lòng. Kể từ đó, Trung Quốc tăng thuế hoặc ban lệnh cấm lên hàng loạt mặt hàng của Australia như thịt bò, rượu vang, lúa mạch...
New York Times thậm chí mô tả rằng quan hệ giữa 2 đối tác thương mại, 2 quốc gia hiện đang "rơi tự do".
Ngoài tình trạng thiếu điện, Trung Quốc có thể phải đối mặt với hậu quả khác vì sự cứng rắn với Australia trong thời gian qua.
Zhou Xin, một chuyên gia về kinh tế chính trị tại Thời báo Hoa Nam buổi sáng, hôm 22/12 đã cảnh báo Trung Quốc có thể đang "tự bắn vào chân mình".
"Các biện pháp thương mại của Trung Quốc nhằm vào Australia có thể được xem như là Trung Quốc sử dụng sức mạnh thương mại dựa trên thị trường nội địa khổng lồ để trở thành vũ khí phục vụ mục tiêu chính trị. Cách làm này sẽ không tốt cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng hình ảnh là một đối tác tin cậy ủng hộ thương mại tự do", ông Zhou nhận định.
"Nó cũng có thể làm suy yếu nỗ lực của chính Trung Quốc trong việc tìm kiếm mối quan hệ thương mại và kinh tế chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực. Rút cuộc, ai lại muốn vun đắp một mối quan hệ thân thiết hơn khi nó có thể được sử dụng như một công cụ trừng phạt trong tương lai? ", chuyên gia trên nhận định.
Ngoài ra, giáo sư James Laurenceson từ Đại học Kỹ thuật Sydney nhận định rằng nếu Trung Quốc tiếp tục giáng thêm các đòn đánh lên Australia, Bắc Kinh có thể đối mặt với rủi ro làm tổn thương lợi ích của chính họ.
"Ví dụ, đòn đánh vào quặng sắt sẽ khiến Australia tổn thương nhiều nhất, nhưng nếu Trung Quốc làm vậy, họ cũng sẽ tự làm đau chính mình", ông Laurenceson cho biết.