1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc hành động mâu thuẫn sau tuyên bố không "ngán" chiến tranh thương mại với Mỹ

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định động thái bơm thêm tiền vào nền kinh tế của Trung Quốc hồi cuối tuần trước dường như thể hiện sự lo lắng của Bắc Kinh trước sức ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại, mâu thuẫn với tuyên bố trước đó rằng họ rất “kiên cường và không e ngại” khi đối đầu với Mỹ.

(Ảnh minh họa: China Times)
(Ảnh minh họa: China Times)

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBC) ngày 7/10 thông báo sẽ cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại của nước này tại PBC. Động thái này sẽ giúp giải phóng khoảng 110 tỷ USD ra thị trường.

CNBC dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng đây là động thái cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang lo ngại rằng họ sẽ “hụt hơi” trong cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Điều đáng nói là, hồi cuối tháng trước, Bắc Kinh ra Sách Trắng 71 trang tuyên bố rằng nên kinh tế của Washington “rất kiên cường” và Bắc Kinh không sợ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân hồi tháng 9, ông Fang Xinghai, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, tỏ ra rất lạc quan rằng các đòn đánh tấn công của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump khó có thể gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc. Ông Fang nói rằng ngay cả trong kịch bản tệ nhất khi toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Bắc Kinh bị Washington đánh thuế, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bị ảnh hưởng ở mức nhẹ, khoảng 0.7%.

Tuy nhiên, sau động thái của PBC ngày 7/10, giới chuyên gia cho rằng, tình hình thực tế của Bắc Kinh không thuận lợi và đơn giản như vậy.

“Trung Quốc có lẽ đang đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Họ gặp phải rất nhiều trở ngại có thể gây bất lợi”, chuyên gia kinh tế Fraser Howie chia sẻ nhận định với CNBC.

Nói về động thái của PBC khi bơm thêm tiền vào nền kinh tế, Trung Quốc nói rằng chính sách tiền tệ của họ vẫn thận trọng và trung lập, không phải là chính sách tiền tệ thích ứng.

Chính sách trung lập nghĩa là ngân hàng trung ương không cố gắng kiềm chề hay kích thích nền kinh tế tăng trưởng, trong khi chính sách thích ứng có nghĩa là ngân hàng trung ương muốn điều phối lượng tiền tệ nhằm kích thích các cá nhân và doanh nghiệp tăng cường vay từ các ngân hàng với hy vọng các khoản vay này có thể giúp nền kinh tế khởi sắc.

Giới chuyên gia cho rằng diễn biến cuộc chiến tranh thương mại hiện thời đang leo thang và có thể sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu. Một cuộc chiến thương mại kéo dài có nghĩa là các nhà đầu tư có thể sẽ rút tiền ra khổi thị trường Trung Quốc vì công việc kinh doanh bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị các bước tiền đề nhằm tránh việc các nhà đầu tư thoái vốn ồ ạt, động thái có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính Bắc Kinh, mà động thái của PBC là một ví dụ.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đang chậm lại và chính phủ Bắc Kinh đã tìm các biện pháp để kích thích trở lại”, chuyên gia Cindy Ponder-Budd, từ công ty nghiên cứu View from the peak (Hong Kong) nhận định.

Động thái của PBC diễn ra vào ngày cuối của tuần lễ nghỉ quốc khánh ở Trung Quốc. Trước đó, các chuyên gia cho rằng kịch bản các nhà đầu tư sẽ bắt đầu bán tháo một số cổ phiếu vào ngày 8/10 vì lo ngại ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, có thể xảy ra.

Tuy nhiên, động thái của PBC dường như đã khiến thị trường yên tâm hơn mặc dù vẫn có sự sụt giảm.

“Trung Quốc dường như có phần lo lắng. Tôi nghĩ rằng họ đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất cũng như hy vọng điều tốt nhất sẽ xảy đến”, ông Gareth Nicholson, chuyên gia làm việc tại Ngân hàng Singapore, nhận định.

Đức Hoàng

Theo CNBC