1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc giở "chiêu" mới ở biển Đông

(Dân trí) - Thay vì có những động thái hung hăng, quyết liệt như trước đây, Trung Quốc thời gian gần đây được cho là đang chuyển sang một chiến lược khác, ít nguy cơ gây đụng độ không mong muốn, nhưng khiến các bên có tranh chấp khó ngăn chặn hơn.

Trung Quốc được tin là đang chuyển từ chiến thuật cưỡng ép, gây hấn sang những bước tiến âm thầm nhưng quyết liệt hòng kiểm soát Biển Đông. (Ảnh: Xinhua)
Trung Quốc được tin là đang chuyển từ chiến thuật cưỡng ép, gây hấn sang những bước tiến âm thầm nhưng quyết liệt hòng kiểm soát Biển Đông. (Ảnh: Xinhua)

"Sự chuyên nghiệp" của Hải quân Trung Quốc tại một số vùng biển có tranh chấp gay gắt nhất thế giới đang che đậy một thách thức ngầm đối với trật tự hiện hữu ở Biển Đông và Hoa Đông, một nghiên cứu được công bố tuần trước của hai tác giả Ashley Townshend và Rory Medcalf, đến từ Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Úc nhận định.

“Sự tuân thủ mới đây của Bắc Kinh đối với những “quy tắc đi lại” trên biển đang làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột không định trước”, bản báo cáo viết. “Với việc từ bỏ chiến thuật hiếu chiến, Bắc Kinh giờ quay trở lại với những hành động quyết liệt nhưng âm thầm, nhằm củng cố hiện trạng mới trên các vùng biển châu Á”.

"Sự quyết liệt âm thầm"

Chiến lược của Trung Quốc xoay quanh chương trình bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc đã thổi bùng căng thẳng với các bên tuyên bố chủ quyền khác, bao gồm Việt Nam và Philippines, đồng thời khiến Mỹ thực hiện các chuyến đi để thực thi tự do đi lại trên biển.

“Điều cấp thiết lúc này, bên cạnh việc bảo vệ tự do đi lại, đó là phải răn đe, ngăn chặn các hoạt động tiếp theo nhằm quân sự hóa hoặc tạo ra một vùng nhận dạng phòng không mới, đặc biệt là liên quan tới khu vực quần đảo Trường Sa”, các tác giả nhấn mạnh.

Tháng 11/2013, Trung Quốc đã tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên một phần biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Nhật. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ có “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp” nếu máy bay các nước đi vào khu vực này mà không thông báo kế hoạch bay hoặc khai báo danh tính. Dù Trung Quốc hầu như chưa tìm cách áp đặt những quy định đó, các nhà phân tích nghi ngờ rằng nước này có thể lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự trên Biển Đông.

Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Marcus Hitchcock tuần trước cũng có phát biểu đồng quan điểm với các học giả của viện Lowy, khi cho rằng Hải quân Trung Quốc đang tuân thủ bộ quy tắc được lập ra để tránh những cuộc đối đầu không định trước trên biển, “bất kể các quốc gia đó đang có vấn đề gì về mặt ngoại giao”.

Cho dù hải quân Trung Quốc tuân thủ các quy tắc ứng xử này, giới chức Mỹ quan ngại rằng Bắc Kinh có thể xây dựng một đảo nhân tạo trên Bãi cạn Scarborough, sau khi chiếm được từ Philippines năm 2012.

Hôm 19/4 vừa qua, Mỹ đã điều 6 máy bay của Không quân nước này đi vào khu vực lân cận bãi cạn Scarborough cách bờ biển Philippines chừng 230km. Nếu Trung Quốc xây dựng một đường băng tại đây, nó sẽ bổ sung cho mạng lưới các đường băng hiện có cùng các điểm giám sát. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, hồi năm ngoái từng cảnh báo rằng một mạng lưới như vậy sẽ “tạo ra một cơ chế trong đó Trung Quốc sẽ có quyền kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông trong tình huống có bất kỳ dạng chiến tranh nào”.

Các tác giả đến từ Viện Lowy gọi chiến lược hiện tại của Bắc Kinh là “quyết liệt âm thầm”, khi nước này sử dụng sự tương đối ổn định của khu vực làm bình phong để tiếp tục các hoạt động bồi lấn, xây dựng đảo, quân sự hóa và mở rộng hoạt động tuần tra của hải quân cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác, nhằm tạo ra những "vùng thẩm quyền quân sự" mới.

Một phần trong chiến lược này nhằm vào khắc họa hình ảnh Mỹ và đồng minh như "những lực lượng hiếu chiến", các tác giả của báo cáo viết. Chiến thuật này được tiết lộ rõ hôm thứ Năm (28/4) tại buổi họp báo hàng tháng của Bộ quốc phòng Trung Quốc.

“Chính cái gọi là các chiến dịch tự do đi lại của Mỹ đã khiến tình hình trên Biển Đông rơi vào bất ổn, làm suy giảm sự ổn định trong khu vực và ảnh hưởng xấu tới các lợi ích an ninh của các quốc gia ven biển”, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói.

“Tuyên bố của Trung Quốc là minh chứng mới nhất về các nỗ lực truyền thông của nước này nhằm khắc họa Mỹ như bên khiêu khích chính trên các vùng biển châu Á”, nhà nghiên cứu Townshend tại Trung tâm Mỹ học, Đại học Sydney nhận định. “Bằng cách không ngừng khắc họa Mỹ và các đối tác như những lực lượng gây bất ổn, chiến dịch truyền thông của Trung Quốc có thể tung hỏa mù nhận định của quốc tế về ai thực sự đang gây ra căng thẳng trên biển tại châu Á”.

Ứng phó với Bắc Kinh

Để đối phó với chiến thuật này, các nhà nghiên cứu cho rằng những nước có liên quan cần hướng tới những biện pháp khiến Bắc Kinh phải chịu tổn thật trực tiếp hoặc gián tiếp.

Theo đó cần củng cố và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển và trên không, để nâng tầm các bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc – Nhật Bản, Trung Quốc – ASEAN lên ngang với các quy tắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Các quy tắc về đối đầu không định trước trên biển cũng cần áp dụng cho các lực lượng tuần tra bờ biển và thực thi pháp luật hàng hải dân sự khác.

Các nước cũng cần thực hiện các chuyến bay và hải hành khẳng định tự do đi lại trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý, cũng như trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Hoạt động tăng cường năng lực hàng hải cũng cần được đẩy mạnh, để giúp tất cả các nước có thể ứng phó với sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc. Việc này bao gồm chuyển giao tàu, máy bay và các công nghệ giám sát để giúp các nước như Philippines và Malaysia tuần tra các vùng biển trong khu vực.

Về mặt ngoại giao, các nước cần tăng cường chỉ trích nhằm vào danh tiếng của Trung Quốc với tư cách một công dân quốc tế, song song với việc ủng hộ vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc.

Thanh Tùng

Theo Bloomberg