Trung Quốc: Đuối lý sinh làm liều
"Như ý thức được sự đuối lý của mình nếu đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế, Trung Quốc luôn “nằng nặc” đòi đàm phán song phương và thậm chí còn dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp nước khác."
Việt Nam vừa cung cấp thêm một bằng chứng hùng hồn, bổ sung thêm vào hàng nghìn chứng cứ lịch sử và pháp lý, tất cả đều khẳng định một điều: Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. Như ý thức được sự đuối lý của mình nếu đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế, Trung Quốc luôn “nằng nặc” đòi đàm phán song phương và thậm chí còn dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp nước khác.
Không có Trường Sa, Hoàng Sa…
Ngày 25/7, Tiến sĩ Mai Hồng - nguyên Trưởng phòng Tư liệu Thư viện - Viện Hán Nôm, đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) mà ông đã lưu giữ suốt 30 năm qua sau khi tình cờ mua được từ một người bán sách cổ.
Bản đồ xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, cung cấp một số thông tin trong việc tranh biện trên bàn quốc tế. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây có thể là một tài liệu hết sức có giá trị để các học giả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trong nước có thể sử dụng.
Bắt đầu từ năm Tân Mão Khang Hy 50, năm 1711, tấm bản đồ này được hoàn chỉnh năm Quang Tự nhà Thanh Giáp Thìn 1904, với sự đóng góp của nhiều thế hệ giáo sĩ phương Tây và nhân sĩ Trung Hoa. Tuy nhiên, khi đi về phía biển cực Nam Trung Hoa, tất cả họ chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Nhìn tổng thể tấm bản đồ đã chỉ rõ chủ quyền của Trung Quốc trên biển và tất nhiên, không có vùng biển bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hai quần đảo này vốn được ghi rõ trong tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, năm 1838, tức là có trước tấm toàn đồ trên của Trung Quốc.
Giáo sư Chương Thâu, Viện Sử học Việt Nam khẳng định: “Đây sẽ là chứng cứ không thể chối cãi. Chính Trung Quốc đầu thế kỷ XX cũng đã thừa nhận là họ chỉ có đến thế thôi, chứ chẳng có cái gì liên quan đến Trường Sa - Hoàng Sa hay bây giờ họ gọi là Tam Sa để bao chiếm cả”.
Tiến sĩ Mai Hồng khẳng định đây không phải là bản đồ của tư nhân, của địa phương nào mà đây là của hoàng đế cùng với các nhà khoa học phương Tây cùng với quá trình nghiên cứu khảo sát lâu dài làm ra. “Tôi nghĩ rằng cái bản đồ này không chỉ cho người dân Việt, dân Trung Hoa, mà còn cho cả thế giới biết nữa. Vì thế giới bây giờ họ cũng nghĩ về Biển Đông nhiều lắm. Mà cái này thì không phải do chúng ta làm ra, do Trung Hoa làm. Khách quan thế, nên không phải cãi nhau, không ai cãi nhau về bằng chứng này nữa cả…”- ông Hồng nói.
Năm tháng đã đi qua, nhưng lịch sử đã được khẳng định thì không thể chối cãi. Chính những câu cuối trong “Lời nói đầu” tấm toàn đồ, người Trung Quốc đã viết: Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì để bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người. Tấm toàn đồ này cũng chính là một tri thức mà người Trung Quốc cần biết và cần nhớ, cần công nhận.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trong tranh chấp quốc tế, những bản đồ chính thống như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ có giá trị quan trọng, khi mình đưa ra thì nó góp phần chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Còn Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thì cho rằng, với bất cứ tài liệu cổ nào của Trung Quốc từ chính sử, dã sử, địa dư, bản đồ đều dễ dàng chứng minh được rằng Paracel tức Hoàng Sa hay Cát Vàng của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Tây Sa hay Xisha không hề thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc. Ông Nhã khẳng định, có đến hơn 10 bản đồ cổ của Trung Quốc vẽ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam như: Dư địa đồ đời Nguyên vẽ lại thu nhỏ trong sách Quảng dư đồ năm 1561, Thiên hạ nhất thống chí đồ trong Đại Minh nhất thống chí năm 1461, Hoàng Minh đại nhất thống tổng đồ trong Hoàng Minh chức phương địa đồ năm 1635, Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ năm 1894, Quảng Đông tỉnh đồ trong Quảng Đông dư địa toàn đồ năm 1897...
Nói gì đến Đường lưỡi bò!
Mặc dù cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý, Trung Quốc chưa từng sở hữu quần đảo nào có tên Trường Sa hay Hoàng Sa, nhưng nước này vẫn vẽ ra cái gọi là “Đường lưỡi bò” bao trọn gần hết Biển Đông. Trung Quốc còn đưa ra yêu sách “vùng nước lịch sử” cho Đường lưỡi bò với lý do có công dân cư trú tại các quần đảo từ thời Đông Hán. Yêu sách này lần đầu tiên được đưa ra bởi Chính phủ Quốc dân đảng vào năm 1947 và được nhắc đến trong Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1998 về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Trong bức điện mật đề ngày 9/9/2008 của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh được trang mạng Wikileaks công bố ngày 1/9/2010, có viết: Theo người của Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế của Bộ Ngoại giao (Trung Quốc), những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông được thể bằng đường đứt khúc 9 đoạn trong bản đồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (còn được gọi là “Đường lưỡi bò” hoặc “Đường 9 đoạn”) là không căn cứ theo Công ước Luật biển LHQ UNCLOS 1982. Vị quan chức này lập luận rằng: “Như một phản ánh của lịch sử”, yêu sách của Trung Quốc còn ra đời trước UNCLOS, và mặc dù những yêu sách này xung đột với các yêu sách của các quốc gia láng giềng trong khu vực, Trung Quốc sẽ đệ trình yêu sách của họ lên cơ quan giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Trong khi cả quan chức của Bộ Ngoại giao và một học giả nghiên cứu về châu Á của Trung Quốc cố gắng khẳng định chứng cứ lịch sử tồn tại nhằm chứng minh cho yêu sách “đường chín đoạn”, nhưng không ai trong số họ có thể chỉ ra cho tham tán chính trị Mỹ những căn cứ cụ thể.
Quan chức của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thừa nhận ông ta không biết những cơ sở lịch sử cho “đường chín đoạn” mặc dù ông ta nói những tài liệu lịch sử của Trung Quốc cho thấy cơ sở cho việc đặt những đường đứt đoạn trên những bản đồ của Biển Đông. Còn vị học giả nghiên cứu châu Á của Trường đại học Bắc Kinh kia thì nói riêng với tham tán chính trị Mỹ rằng, yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông có niên hạn từ thời cổ, trước khi có sự phát triển của những quốc gia hiện nay. Kể từ đó, khi quốc gia Trung Quốc hiện đại phát triển trong thế kỷ XX, dưới sự nắm quyền của Quốc dân đảng và sau đó là Đảng Cộng sản, Trung Quốc trở nên tăng tự tin về bản sắc và biên giới của họ. Cả vị quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và vị học gia kia đều cố cụ thể hóa một tài liệu lịch sử cho thấy cơ sở của việc tạo thành “đường đứt khúc chín đoạn”. Quan chức trên nhắc tới “Sách trắng” của Bộ ngoại giao (Trung Quốc) về Biển Đông từ năm 2000. Tài liệu này cung cấp một cuộc khảo sát về những yêu sách pháp lý và lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông, nhưng chỉ chủ yếu tập trung vào những căn cứ chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những dải đá cùng những cơ sở khác. Ví dụ như Sách trắng trích dẫn việc Nhật Bản ngừng yêu sách đối với những hòn đảo tại (...đoạn bị xóa) sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Sách trắng có dành một chút chú ý nhỏ nhắc tới lịch sử của “đường đứt đoạn 9 khúc”, cung cấp một sự tham chiếu không rõ ràng tới những khu vực được tiếp cận thường xuyên bởi những ngư dân của Hải Nam…
Lấy súng ống đàn áp công lý
Do biết rằng mình yếu thế trong tranh chấp pháp lý, từ hồi nào đến giờ hễ nước nào có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đòi đưa vấn Trường Sa và Hoàng Sa ra tài phán quốc tế đều bị Bắc Kinh gạt phăng. Và để khẳng định cái chủ quyền vốn không có, để lấp liếm những chứng cứ lịch sử, Trung Quốc xua quân ào ạt xuống Biển Đông với hy vọng có thể “lấy thịt đè người”.
Biển Đông từ lâu được xem là một trong những khu vực chính gây căng thẳng và bất ổn định tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài các tranh chấp có liên quan trực tiếp tới các yêu sách về chủ quyền đối với các nhóm đảo bao gồm cả hai bên và nhiều bên, còn có các tranh chấp khác liên quan tới các vấn đề về vùng biển vẫn còn tồn tại.
Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các đảo trong Biển Đông; Malaysia và Philippines tuyên bố một phần quần đảo Trường Sa còn Brunei thì tuyên bố chủ quyền đối với một bãi đá chìm. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp quần đảo Hoàng Sa; quần đảo Trường Sa được tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần bởi các nước Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.
Sự việc làm trầm trọng hơn các tranh chấp ở Biển Đông là ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
Nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, giảm thiểu các căng thẳng đối với tranh chấp liên quan đến Trường Sa, tăng cường đối thoại, ngày 4/11/2002, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh (Campuchia), ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; thể hiện quan điểm của các nước giải quyết những vất đề đối với Biển Đông cần có cơ chế đối thoại đa phương (cụ thể giữa Trung Quốc và các nước ASEAN). Tuy nhiên, từ khi ký kết đến nay, các cam kết của DOC cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đặc biệt là Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động vi phạm DOC như tập trận, cấm đánh bắt cá, bắt ngư dân….
Để giải quyết vấn đề Biển Đông, các nước có tranh chấp chủ quyền, cũng như các nước có lợi ích về tự do hàng hải tại Biển Đông đều đã lên tiếng ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông bằng cơ chế hợp tác đa phương ngoại trừ Trung Quốc. Trước thái độ thiện chí của các nước, Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối vấn đề này, luôn tuyên bố chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên Biển Đông. Tại diễn đàn ARF tháng 7/2010, ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ phát biểu, Ngoại trưởng Trung Quốc đã phản ứng lại một cách giận dữ rằng, các tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán song phương và họ đã phát triển chính sách “hai không” khi đề cập đến Biển Đông: Không đàm phán đa phương; không “quốc tế hóa".
Tại sao Trung Quốc lại không đồng ý giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông? Là nước mạnh nhất trong các bên tranh chấp, Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trên bàn đàm phán song phương, buộc đối phương chấp nhận phương thức giải quyết của họ. Ý đồ của Trung Quốc là “chia để trị”, là “bẻ gẫy từng chiếc đũa”. Do vậy, Trung Quốc luôn khăng khăng giải quyết song phương, luôn chống lại việc “quốc tế hóa” Biển Đông. Trung Quốc sẽ có thể áp đặt sức mạnh của họ, buộc các nước này phải theo luật chơi của họ. Theo ý kiến của các chuyên gia, các nước ven Biển Đông cần hết sức tỉnh táo, không rơi vào “cái bẫy” của Trung Quốc, không để Trung Quốc biến Biển Đông thành một ao nhà của họ.
Trong một phản ứng mới nhất trước hàng loạt động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain nói, Trung Quốc đã “khiêu khích một cách không cần thiết” khi Quân ủy Trung ương tại Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Bộ Chỉ huy Quân sự ở Biển Đông. Theo ông McCain, một quyết định khác của Trung Quốc, việc bầu chọn một Hội đồng Nhân dân quản trị thành phố Tam Sa “chỉ khiến nhiều nước ngày càng quan ngại việc Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền. Những lời tuyên bố này không có căn bản pháp lý quốc tế và có lẽ Trung Quốc sẽ cố thực hiện những tuyên bố chủ quyền thông qua các hành động đe dọa và cưỡng bức”.
Vẫn theo ông McCain những hành động của Trung Quốc “thật đáng thất vọng và không thích hợp với vị thế một cường quốc có trách nhiệm”.
Mấy ngày qua, các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc liên tục tường trình việc Việt Nam tìm thấy bản đồ thời nhà Thanh của Trung Quốc, chứng minh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Đến nay, chính quyền và giới học giả Trung Quốc vẫn im lặng về vấn đề trên, nhưng các cư dân mạng nước này bàn luận rất sôi nổi. Một số người Trung Quốc thừa nhận rằng, với nội dung bản đồ như vậy thì đúng là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số khác vẫn còn ngờ vực và đề nghị tìm kiếm thêm các bản đồ cũ hơn nữa của Trung Quốc để đối chiếu. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận ngạo mạn thách thức: “Trên thế giới này có ai dám cùng Trung Quốc chơi lịch sử nào?”. |
Giang Khuê
Theo Petrotimes/Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012