1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc dùng chiến lược học bổng khuếch trương “sức mạnh mềm” tại châu Phi

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định rằng Bắc Kinh đang sử dụng các chương trình học bổng cho người châu Phi nhằm gia tăng quyền lực mềm của Bắc Kinh tại "Lục địa đen".

Trung Quốc dùng chiến lược học bổng khuếch trương “sức mạnh mềm” tại châu Phi - 1

(Ảnh minh họa: MCT)

Từ những năm cuối 1990, Trung Quốc đã khuyến khích doanh nghiệp nước này đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài. Tới năm 2009, Bắc Kinh vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện cũng là đối tác cho vay nợ song phương lớn nhất ở nhiều quốc gia châu Phi. Chỉ trong 2 thập niên qua, họ đã chi143 tỷ USD tại đây, gồm các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cảng, ga xe lửa, sân bay, đường cao tốc, đập thủy điện, theo thống kê của tổ chức sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi của đại học John Hopkins (Mỹ).

Tuy nhiên, hình ảnh của Trung Quốc tại các quốc gia này được cho là không mấy tích cực.

Bắc Kinh phải đối mặt với làn sóng chỉ trích rằng họ đang gây ra gánh nặng nợ nần cho các nước châu Phi thông qua sáng kiến “Vành đai, con đường”. Một số ý kiến chỉ trích khác cáo buộc các công ty Trung Quốc đưa lao động của nước này sang và giành hết công ăn việc làm của người địa phương. Họ cũng cáo buộc Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm giá rẻ tại châu lục này.

Các cáo buộc trên rõ ràng làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Trung Quốc tại “lục địa đen”. Chính vì vậy, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt sáng kiến nhằm thay đổi điều này, bao gồm việc thành lập hàng chục Viện Khổng Tử ở châu Phi, những cơ sở thường được đặt ở các trường cao đẳng và đại học, chuyên dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Trung Quốc cũng được cho là muốn khuếch trương tầm ảnh hưởng tại châu Phi thông qua mạng lưới truyền thông. Họ xây dựng trụ sở, mở rộng hoạt động của các hãng thông tấn nhà nước lớn như Tân Hoa Xã, mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Nhân dân Nhật Báo. Mạng lưới này có nhiệm vụ quảng bá những lợi ích Trung Quốc mang lại cho châu Phi nhằm chống lại danh tiếng tiêu cực của Bắc Kinh tại đây.

Tuy nhiên, một trong những sáng kiến mang lại tầm ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi là thông qua các chương trình học bổng đưa hàng chục nghìn người châu Phi tới quốc gia châu Á cho các chương trình đại học và sau đại học.

Trung Quốc hồi năm ngoái đã cam kết sẽ cung cấp 50.000 suất học bổng, 50.000 cơ hội đào tạo việc làm cho người châu Phi trong 3 năm tới, cao hơn 66% so với năm 2015.

Con số trên cao hơn hẳn so với các chương trình học bổng mà các quốc gia khác dành cho châu Phi bao gồm Anh và Mỹ.

Thông qua học bổng, Bắc Kinh được cho là muốn xây dựng tầm ảnh hưởng cho các hoạt động của họ sau này tại châu Phi. Khi các sinh viên hoàn thành việc học, họ được cho sẽ truyền bá những điều tích cực về Trung Quốc. Khi du học, những sinh viên này được chu cấp rất nhiều khoản tiền như tiền học, chi phí y tế và sinh hoạt phí.

Từ cuối tháng 8, hàng nghìn tân sinh viên từ châu Phi bắt đầu theo học tại các trường đại học Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh nói rằng số lượng sinh viên châu Phi tại các cơ sở giáo dục bậc cao ở Trung Quốc hiện đang cao nhất từ trước tới nay.

Giáo sư XN Iraki của đại học Nairobi (Kenya) nói rằng số lượng lớn các học bổng dành cho sinh viên châu Phi phản ánh khả năng của Trung Quốc trong việc thuyết phục các nước thực hiện sáng kiến của họ mà không thông qua cưỡng ép hay bắt buộc. Đó được coi là một dạng thực thi quyền lực mềm.

Từ năm 2003-2018, con số sinh viên châu Phi học tại cơ sở giáo dục bậc cao của Trung Quốc tăng từ 1.793 lên 81.562 người.

Đức Hoàng

Theo SCMP