1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đưa tàu ngầm tới sát nách Ấn Độ

(Dân trí) - Trung Quốc ngày 31/10 đã khiến Ấn Độ lo ngại khi đưa một tàu ngầm lớn cùng một tàu chiến cập cảng Colombo của Sri Lanka, láng giềng của Ấn Độ và lưu lại ở đây 5 ngày.

Trung Quốc
Trung Quốc đã phát triển mạnh lực lượng tàu ngầm những năm qua

Giới chức Sri Lanka đã cho phép tàu ngầm tấn công Changzheng-2 cùng tàu chiến Chang Xing Dao của Trung Quốc cập cảng nước này, dù trước đó New Delhi đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Cách đây 2 tháng, Trung Quốc cũng từng triển khai một tàu ngầm hạt nhân tuần tra tầm xa tới Sri Lanka, ít ngày trước chuyến công du Nam Á của Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Một tàu ngầm và một tàu chiến đã cập cảng Colombo. Các tàu này cập cảng hôm 31/10 và sẽ ở đây trong 5 ngày để tiếp nhiên liệu và giúp thủy thủ thư giãn”, người phát ngôn hải quân Sri Lanka Kosala Warnakulasuriya nói, và tuyên bố “việc này không có gì bất thường. Kể từ năm 2010, 230 chiến hạm đã ghé cảng Colombo từ nhiều nước khác nhau, trong các chuyến thăm thiện chí cũng như giúp thủy thủ thư giãn”.

Tuy nhiên, tần suất ghé thăm của các tàu chiến Trung Quốc khiến New Delhi lo ngại. “Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này nhưng không quyết liệt”, một quan chức Ấn Độ được tiếp cận với các cuộc đàm phán ngoại giao với quốc gia láng giềng cho biết.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ rất nhiều vốn vào Sri Lanka, xây dựng cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, một diễn biến khiến Ấn Độ lo ngại. Bởi từ lâu Ấn Độ vẫn là đối tác kinh tế thân thiết nhất của Sri Lanka, quốc gia với 21 triệu dân.

New Delhi cũng bày tỏ lo ngại về một cơ sở bảo dưỡng máy bay, sau khi có tin đồn nó sẽ được xây dựng tại thành phố cảng Trincomalee ở phía Đông, vốn được Ấn Độ xem là địa bàn chiến lược trong an ninh quốc gia.

R Hariharan, một đại tá đã về hưu của quân đội Ấn Độ, kiêm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc học tại Chennai cho biết, Ấn Độ lo lắng về đợt ghé thăm mới nhất của tàu ngầm Trung Quốc vì nhiều lí do.

“Lần đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc trở thành một phần của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một chiến dịch của hạm đội khu vực Ấn Độ Dương tại Vịnh Aden, để thực thi nhiệm vụ chống cướp biển. Điều này không hề bình thường”, Hariharan nói.

Thanh Tùng
Tổng hợp