1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đổi vai để thành "hổ giấy"?

Lịch sử hải quân Trung Quốc kể từ thế kỷ 19 có nhiều thất bại, như chống lại các cường quốc châu Âu và sau đó là một Nhật Bản mới trỗi dậy.

LTS: Trong phần tiếp theo của loạt nghiên cứu về âm mưu của TQ trên biển Đông, Học giả Howard W. French (Pháp) phân tích về thế mạnh, yếu trong "bàn cờ" quân sự, chính trị khu vực.

Nếu Trung Quốc tìm kiếm ví dụ về một đối thủ nhỏ hơn ở Biển Đông để chứng minh rằng, nhượng bộ sẽ tốt hơn đối kháng thì Philippines lại có thể là một mục tiêu khác. Philippines có quân đội còn lạc hậu. Trong suốt 20 năm, nước này không chú tâm vào quân sự.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang bận rộn thay đổi nguyên trạng ở vùng nước tranh chấp của Biển Đông. Trên các đảo tranh chấp, họ xây dựng cầu tàu hải quân, đường băng và thậm chí cả trường học cho trẻ em của các binh lính Trung Quốc. Họ thường xuyên dùng tàu hải giám hay tàu cá phong tỏa các bãi cạn, vũng nông tranh chấp. Các tàu cá được trợ cấp, được trang bị định vị và radio hiện đại và thậm chí có cả hệ thống cảnh báo sớm cho Bắc Kinh về các động thái của tàu nước khác.

Trung Quốc đổi vai để thành hổ giấy?

Để duy trì tuyên bố chủ quyền tại Bãi Thomas 2, một số binh lính Philippines vẫn sống trên con tàu cũ Sierra Madre hiện diện ở bãi cạn. Các tàu Trung Quốc thường xuyên tìm cách ngăn chặn nguồn tiếp tế cho tàu này. Ảnh: Reuters

TQ phản ứng với các tàu nước khác ở vùng tranh chấp với sự tinh vi và phô trương sức mạnh ngày càng lớn của lực lượng cảnh sát biển, nhằm tránh xu thế quân sự hóa. Philippines, cũng như hầu hết các nước khác trong khu vực, không thể có có các tàu có khả năng như vậy ngoài tàu hải quân. Vì thế, nếu sử dụng tàu hải quân, họ sẽ bị thế giới bên ngoài xem như là đang leo thang xung đột.

Trong khi đó, tàu hải quân Trung Quốc thì lui “ở hậu trường” nhưng lại luôn sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp.

Nỗ lực đối phó của Manila để khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ với một số đảo, bãi ngầm khá thông minh, nhưng rốt cuộc lại phản ánh sự tuyệt vọng.

Nổi tiếng nhất là với con tàu rỉ sét thừa hưởng từ Mỹ gọi là Sierra Madre ở Bãi Thomas 2. Các thủy thủ vẫn hiện diện trên tàu, như một sự khẳng định chủ quyền của Manila với bãi cạn. Tuy nhiên, sự tồn tại của họ lại trông chờ vào nguồn hậu cần đang ngày có nguy cơ đứt gãy trong cuộc chơi mèo đuổi chuột với hải quân TQ, lực lượng tìm cách chặn nguồn tiếp tế này.

Trong tranh chấp với Trung Quốc, Philippines đã và đang nỗ lực thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế ở bất kỳ nơi nào có thể. Một quan chức Manila giải thích, nếu Bắc Kinh dùng vũ lực thì cộng đồng quốc tế sẽ cùng lên tiếng ủng hộ quốc đảo này.

Họ đã tiến hành vụ kiện chống lại Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển. LHQ không có quyền lực buộc Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc nhưng ở vị trí một quốc gia yếu hơn, Philipines đang tính về tác động tới hình ảnh quốc tế và sự xấu hổ sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ quy ước. “Chúng tôi có tất cả để đạt được điều này, và không có gì để mất”, Harry Roque, Giáo sư luật tại Đại học Philippines – người góp phần thuyết phục chính phủ theo đuổi vụ kiện Trung Quốc nói.

Tại Vịnh Oyster ở bờ biển phía tây Palawan, Philippines gần đây đã thiết lập một căn cứ hải quân mới. Trong năm ngoái, Manila đã nhanh chóng tậu hai tàu khu trục qua sử dụng từ Italy, hàng loạt trực thăng và máy bay tấn công, cũng như nâng cấp hạm đội tàu tuần duyên. Tổng thống Benigno Aquino III thường xuyên nói việc mua  sắm này là đảm bảo cho nước ông có đủ khả năng phòng thủ tối thiểu.

Ai là hổ giấy?

Quan trọng nhất,  hồi tháng 4, Philippines đã ký thỏa thuận quốc phòng với Mỹ. Một tháng sau đó, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố: “Hãy để tôi nhắc lại một nguyên tắc mà tôi đưa ra ngay ở đầu nhiệm kỳ tổng thống: Mỹ sẽ sử dụng lực lượng quân sự, đơn phương nếu cần thiết, khi các lợi ích cốt lõi của chúng ta cần điều đó, khi người dân của chúng ta bị đe dọa, khi đời sống của chúng ta bị đe dọa và khi an ninh của các đồng minh chúng ta gặp nguy hiểm”.

Sự cắt giảm quy mô và ngân sách của Mỹ tại khu vực mà Trung Quốc coi là sân sau được Bắc Kinh tận dụng. Tướng Zhu Chenghu, Giáo sư Đại học Quốc phòng TQ gần đây khi phát biểu với một đài truyền hình ở Hong Kong đã cảnh báo các đồng minh của Mỹ tại châu Á rằng, Mỹ đã trở thành một “con hổ giấy”.

Từ quan điểm Trung Quốc, kịch bản hoàn hảo có thể là lực lượng vũ trang Philippines chưa đủ kinh nghiệm, mạo hiểm sử dụng các khí tài mới có được, dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự giới hạn. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc phô trương ưu thế, có thể đưa ra yêu sách chủ quyền mới hơn, mạnh hơn với các đảo ở Biển Đông. Mỹ do đó cũng khó có phản ứng thích hợp để rồi đây theo nhìn nhận của một số người trong giới tinh hoa Trung Quốc rằng đó chính là cơ hội cho thấy Mỹ không còn là đối tác đồng minh đáng tin cậy ở khắp Thái Bình Dương.

Nhưng rủi ro với Trung Quốc cũng rất lớn.

Lịch sử hải quân Trung Quốc kể từ thế kỷ 19 có nhiều thất bại, như chống lại các cường quốc châu Âu và sau đó là một Nhật Bản mới trỗi dậy. Bất kỳ thất bại nào với Philippines sẽ là “sự sỉ nhục” lớn. Washington cũng có thể lật tẩy trò lường gạt của Bắc Kinh để bảo vệ Philippines. Ví dụ như chuyện Trung Quốc cố gắng đuổi lính Philippines khỏi tiền đồn cũ Sierra Madre. Khi ấy, Trung Quốc lại “đổi vai” để trở thành hổ giấy.

Còn nữa

Theo Minh Tâm
Vietnamnet/The Atlantic

Tác giả bài viết là Howard French. Bài viết gần đây nhất của ông về cuộc di dân của Trung Quốc nhằm xây dựng một đế chế mới của Châu Phi. Hiện ông đang viết cuốn sách về địa chính trị của EastAsia.