1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc "đòi" Nhật thả ngay các nhà hoạt động bị bắt

(Dân trí) - Ngay sau khi Nhật bắt 14 nhà hoạt động thăm đảo tranh chấp giữa hai nước trên Hoa Đông vào ngày 15/8, Bắc Kinh đã kêu gọi Tokyo thả ngay và vô điều kiện những người này.

Trung Quốc đòi Nhật thả ngay các nhà hoạt động bị bắt
Tàu chở các nhà hoạt động Trung Quốc (ngoài) bị tàu Nhật áp sát ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 15/8.

 

Trong cuộc họp với đại sứ Nhật ở Bắc Kinh và qua cuộc điện đàm với một quan chức Nhật, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Fu Ying “đã yêu cầu Nhật đảm bảo an toàn cho 14 công dân Trung Quốc cũng như thả ngay và vô điều kiện họ”, thông tin đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

 

Ngoài ra bà Fu còn “đưa ra phản đối chính thức đối với việc giam giữ trái phép của Nhật đối với các công dân Trung Quốc trên quần đảo Điếu Ngư”. Quần đảo này được Nhật gọi là Senkaku và hiện đang được sở hữu tư nhân. Chính phủ Nhật cũng đang có kế hoạch mua lại quần đảo từ cá nhân người Nhật này.

 

Được biết cảnh sát Nhật đã chuyển nhóm người bị bắt tới Okinawa để thẩm vấn. Nhóm người này gồm 14 người, một số được cho là nhà báo và thủy thủy đoàn, xuất phát từ Hồng Kông vào hôm chủ nhật và tới đảo tranh chấp vào ngày hôm qua.

 

Báo chí Nhật và Trung Quốc cho hay giới chức Nhật cũng đang xem xét đến khả năng trục xuất họ về nước.

 

“Họ có thể được chuyển tới Cục nhập cư Nhật sau đó và sẽ được trục xuất trở lại Hồng Kông”, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết trong bài báo được Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đăng tải vào tối qua. Cũng theo bài báo này, không có nhà hoạt động nào bị thương.

 

Tàu lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bao vây tàu của nhóm người này khi nó tiến tới quần đảo. Nhưng 7 nhà hoạt động đã nhảy khỏi tàu và bơi tới một đảo trong quần đảo tranh chấp. Sau đó có 2 người trở lại tàu, trong khi 5 người khác bị bắt trên đảo.

 

Tiếp đến 2 nhà hoạt động vừa quay trở lại cùng 7 người nữa vẫn ở trên tàu đã bị bắt “vì xâm nhập trái phép”.

 

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 những người ngoài nước Nhật lên quần đảo tranh chấp này.

 

Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura cho biết Nhật đã đệ phản đối ngoại giao chính thức về vụ việc tới Trung Quốc và Hồng Kông.

 

Căng thẳng Trung – Nhật về quần đảo trên biển Hoa Đông lại rộ lên trong những tháng gần đây. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nhật quản lý và là một phần của tỉnh Okinawa này.

 

Quần đảo phần lớn không có người ở, nhưng chúng nằm gần những tuyến đường biển quan trọng chiến lược, giàu hải sản và được cho là chứa một lượng lớn trữ lượng dầu.

 

Căng thẳng vì thăm đền chiến tranh

 

Nhật cũng vướng vào một cuộc tranh chấp khác với Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokko cũng như chuyến viếng thăm ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi Yasukuni của các quan chức cấp cao.

 

Rất nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra vào ngày thứ tư khi Nhật kỷ niệm ngày đầu hàng trong Thế chiến II và Hàn Quốc giành được độc lập từ ách đô hộ của phát xít Nhật.

 

Một nhóm người Hàn Quốc đã hoành thành cuộc bơi tiếp sức vào sớm ngày thứ tư tới nhóm đảo Dokko/Takeshima tranh chấp giữa Nhật-Hàn. Cuộc bơi này diễn ra sau chuyến thăm lần đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc tới Dokko/Takeshima vào ngày thứ sáu vừa qua.

 

Chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak đã khiến Nhật “nổi giận”, triệu đại sứ Hàn Quốc lên để phản đối. Trong khi đó, vào ngày hôm qua, ông Lee chỉ trích Nhật đã không hàn gắn được những vết thương của lịch sử.

 

Trong khi đó tại Nhật, các bộ trưởng Jin Matsubara và Yuichiro Hata đã có chuyến thăm mà họ gọi là “thăm cá nhân” tới ngôi đền Yasukuni nhằm kỷ niệm kết thúc Thế chiến II, mặc dù Thủ tướng Noda đã kêu gọi các thành viên nội các không làm vậy.

 

Ngôi đền này thờ những người chết trong chiến tranh của Nhật, trong đó có cả tội phạm chiến tranh và được nhiều nước láng giềng của Nhật xem là nơi gợi nhớ về quá khứ quân sự của Nhật. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều phản đối chuyến viếng thăm.

 

Phan Anh

Theo BBC, AFP