Nhật bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc trên đảo tranh chấp
(Dân trí) - Căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật đã leo lên nấc thang mới trong ngày 15/8, khi Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc tới thăm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời cho triệu đại sứ Trung Quốc đến Bộ Ngoại giao để phản đối.
Tàu kháng nghị của các nhà hoạt động Hồng Kông neo đậu tại đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chiều 15/8/2012.
Vào khoảng 17h30 ngày 15/8 theo giờ Nhật Bản (15h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam), cảnh sát tỉnh Okinawa của Nhật Bản đã bắt giữ 5 nhà hoạt động Trung Quốc đến từ Hồng Kông trên một chiếc tàu kháng nghị.
Năm người này nằm trong nhóm 7 người trước đó đã đặt chân lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (lần lượt theo cách gọi của Nhật Bản và Trung Quốc). Hai người còn lại không bị bắt vì đã quay trở lại tàu.
Tiếp đó, cảnh sát Okinawa thông báo bắt giữ thêm 9 nhà hoạt động khác của Trung Quốc nhưng chưa rõ danh tính.
Vụ bắt giữ diễn ra sau khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đã ba lần liên tiếp đưa ra cảnh báo bằng sóng vô tuyến yêu cầu các nhà hoạt động Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của Nhật Bản nhưng đều bị tảng lờ.
“Việc những người này lên đảo bất chấp ba lần cảnh cáo từ phía lực lượng chức năng thực sự rất đáng tiếc”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết.
Trước đó, ông Fujimura cũng đã lên tiếng phản đối hành động của các nhà hoạt động Trung Quốc từ trước khi những người này tìm cách đặt chân lên đảo.
Theo báo cáo của JCG, vào khoảng 14h20' chiều nay, Văn phòng Cảnh sát biển khu vực 11 ở thành phố Naha, tỉnh Okinawa, đã phát hiện một tàu chở các nhà hoạt động Hồng Kông đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản, cách đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku 44km về phía Tây.
Sau đó, con tàu này đã đi vào lãnh hải Nhật Bản vào lúc 15h50 phút với mục đích đổ bộ lên đảo Uotsuri, bất chấp việc tàu cảnh sát biển Nhật Bản đã liên tục đưa ra cảnh báo bằng loa phóng thanh và sóng vô tuyến điện.
JCG cho biết đây là tàu chở các thành viên thuộc tổ chức “Ủy ban hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư” của Hồng Kông. Tuy nhiên, trong quá trình "bám đuổi" tàu Trung Quốc, lực lượng JCG đã cố gắng không dùng biện pháp mạnh gây thương vong cho hai phía.
JCG cho biết sẽ giao nộp toàn bộ những người bị bắt giữ cho cảnh sát tỉnh Okinawa.
"Họ sẽ được mang giao nộp cho Văn phòng Nhập cư của Nhật Bản tại cảng Okinawa trước khi bị trục xuất về Hồng Kông", người phát ngôn của JCG nói
Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc
Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, chính phủ Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa tới Bộ Ngoại giao để chuyển công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc này.
"Nhật Bản sẽ xử lý nghiêm vụ việc này theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng Noda trả lời báo giới khi được hỏi về sự kiện tàu kháng nghị của “Ủy ban hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư” đổ bộ lên đảo tranh chấp.
Chiều cùng ngày, Nhật Bản cũng đã cho nâng cấp Phòng liên lạc thông tin của Văn phòng Thủ tướng thành Phòng đối sách, đồng thời thành lập Ban phòng bị và Ban đối sách tại Văn phòng Cảnh sát biển khu vực 11.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tìm cách liên lạc với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản để tháo gỡ vụ việc.
"Trung Quốc đề nghị phía Nhật Bản không có bất cứ hành động nào đe dọa an toàn cũng như tài sản của các công dân Trung Quốc đến đảo Điếu Ngư", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang nói sáng nay.
"Trung Quốc đang theo dõi sát mọi diễn biến và đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc về việc này với phía Nhật Bản", ông Qin Gang nói thêm sau khi cho biết quan điểm của Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là "kiên quyết và rõ ràng".
Đức Vũ