1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đổ "núi" tiền vào châu Phi qua "Vành đai, con đường"

(Dân trí) - Các công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào châu Phi nhằm tận dụng lợi thế lao động giá rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh.

Trung Quốc đổ núi tiền vào châu Phi qua Vành đai, con đường - 1

Một công ty do người Trung Quốc làm chủ tại Uganda (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo SCMP, các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền vào các nước châu Phi để xây dựng khu công nghiệp và khu thương mại tự do nhằm sản xuất các hàng hóa mà trước đó các nước ở châu lục này nhập khẩu từ Bắc Kinh. Các sản phẩm bao gồm giày dép, quần áo, thiết bị xây dựng, đồ điện tử, sản phẩm thép, đồ ăn, sợi thủy tinh. Ngoài ra, các công ty nói trên cũng được cho đang tìm đường vào thị trường châu Âu và Mỹ từ châu Phi.

Các khu công nghiệp đang ngày càng mở rộng từ Uganda tới Ethiopia, Ai Cập tới Nam Phi, Algeria tới Zambia.

Charles Robertson, nhà kinh tế tại ngân hàng Renaissance Capital (Nga), cho biết mức lương cơ bản tại Trung Quốc hiện đang cao gấp 3 lần nhiều ở quốc gia châu Phi và đây là một lợi thế thúc đẩy các công ty sản xuất của Bắc Kinh tìm đường sang châu lục này.

Trên khắp châu Phi, có hơn 10.000 công ty do người Trung Quốc sở hữu và 1/3 trong số đó liên quan tới sản xuất, theo báo cáo năm 2017 của công ty McKinsey (Mỹ). Báo cáo ước tính 12% tổng lượng sản xuất công nghiệp ở châu Phi - trị giá 500 tỷ USD/năm - do các công ty Trung Quốc quản lý.

Tại Uganda, Tổng thống Yoweri Museveni tuần trước cấp phép cho 2 dây chuyền sản xuất tại công ty Trung Quốc Lida - doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế cá nhân - nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt của quốc gia này trong cuộc chiến với Covid-19.

Ông Museveni nói rằng Uganda có đủ nguyên liệu thô để cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất và ông muốn dần giảm bớt lệ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Khi Covid-19 xuất hiện, nhiều quốc gia châu Phi đối mặt với những khó khăn do thị trường nhập khẩu đã bị tê liệt vào tháng 1-2 do tình hình đại dịch ở Trung Quốc. Nhiều công ty không thể sản xuất hàng hóa, dẫn tới không có hàng xuất khẩu sang châu Phi.

Việc công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sản xuất sang châu Phi sẽ giúp giải quyết vấn đề trên trong tương lai.

Ngoài ra, ở châu Phi, các công ty viễn thông của Trung Quốc được cho đang dẫn đầu thị trường với khoảng hơn một nửa thị phần.

Tại Ethiopia, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp nhẹ của vùng Sừng châu Phi như may mặc, dệt may, và ngành da. Với đường tàu hỏa nối tới Djibouti, Ethiopia - quốc gia không giáp biển - đặt mục tiêu trở thành trung tâm ngành sản xuất công nghiệp nhẹ ở châu Phi vào năm 2025.

Theo SCMP, các khu công nghiệp và các khu thương mại tự do là một phần trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước Đông Nam và Trung Á, Trung Đông và châu Phi và kết nối chúng thành một tuyến đường.

Tại khu vực Bắc Phi, Trung Quốc đang xây dựng đặc khu kinh tế Suez. Đây là khu vực được xem là có vị trí địa chính trị đặc biệt vì nó nằm ở giáp ranh giữa châu Á, châu Phi và châu Âu - đồng nghĩa với việc các công ty của Bắc Kinh có thể tiếp cận dễ hơn với các thị trường khác, nếu so với việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đại lục tới.

Tuy nhiên, "Vành đai, con đường" cũng được xem là một sáng kiến gây tranh cãi vì nhiều chuyên gia Phương Tây cảnh báo rằng các quốc gia tham gia dự án trên có thể rủi ro phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị. Họ cũng đối mặt với nguy cơ bị mất tài nguyên và có thể bị do thám. Mỹ cũng đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc có những tính toán khi tung ra sáng kiến trên.

Đức Hoàng

Theo SCMP