Trung Quốc điều tàu chấp pháp tuần tra trái phép nhóm đảo Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa
(Dân trí) - Đội chấp pháp tổng hợp thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc đã triển khai hoạt động tuần tra trái phép tại nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trang sohu.com ngày 14/8 đưa tin, hơn 30 nhân viên thuộc Đội chấp pháp Tam Sa và các chuyên gia nghiên cứu môi trường biển đã ngồi trên tàu thực thi pháp luật “Tam Sa số 1” để thực hiện hoạt động tuần tra trái phép.
Khoảng 8 giờ sáng (giờ Bắc Kinh), tàu Tam Sa đã rời cầu tàu thuộc đảo Phú Lâm, hành trình tới các đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm (Trung Quốc gọi là quần đảo Vĩnh Lạc) để thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ môi trường biển. Tàu “Tam Sa 1” sẽ tiến hành tuần tra tại đây trong 2 ngày. Đến 15/8, sau khi kết thúc tuần tra, tàu sẽ quay vê đảo Phú Lâm.
Tàu tuần tra “Tam Sa 1” là tàu chấp pháp biển tổng hợp được Trung Quốc chế tạo cho “thành phố Tam Sa” nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuần tra trên biển Đông.
Tàu do Bộ nông nghiệp Trung Quốc và Cục hải cảnh nước này đầu tư thiết kế và chế tạo, được chính thức biên chế cho “thành phố Tam Sa” hồi tháng 5/2015.
Tàu có chiều dài 97,5 mét, chiều rộng 14 m, lượng giãn nước 2.600 tấn, có khả năng hành trình liên tục 6.000 hải lý. Tàu chấp pháp tổng hợp 1 có thể hành trình liên tục từ đảo Hải Nam tới quần đảo Trường Sa, đồng thời có khả năng tuần tra khi gió biển ở cấp 12.
Từ tháng 7/2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm quản lý các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, sân bay, bến cảng ở đây, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Hương Giang
Theo Sohu