1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đang "hụt hơi"trong chiến lược ngoại giao vaccine

Trong cuộc đua ngoại giao vaccine Covid-19, thành công của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào 3 điều kiện: nguồn cung, tốc độ cấp phép và nhu cầu thực. Dù được triển khai sớm nhưng dường như Bắc Kinh đang có phần "hụt hơi" trên cả 3 phương diện.

Trung Quốc đang hụt hơitrong chiến lược ngoại giao vaccine - 1

Chiến lược ngoại giao vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang bị 'mất đà'. (Nguồn: AFP)

Giành lợi thế từ ngoại giao vaccine

Nhìn tổng thể, Trung Quốc đang giành lợi thế khi sớm triển khai chính sách ngoại giao vaccine, giúp gia tăng sức mạnh mềm và mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Bắc Kinh đã chuyển 114 triệu liều vaccine ra nước ngoài, cam kết tài trợ cho Ấn Độ, Nga cũng như nhiều quốc gia đang loay hoay vật lộn với làn sóng thứ ba, thứ tư của Covid-19.

Để thúc đẩy chính sách ngoại giao này, hai vaccine do Trung Quốc sản xuất cũng đang trong quá trình đợi nhận giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tháng Tư.

Trong khi đó, đang có những lo ngại ngày càng tăng về tính hiệu quả và an toàn của vaccine AstraZeneca - vaccine do Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) phân phối.

Ngoài ra, số ca bệnh gia tăng chóng mặt theo cấp số nhân cũng đang khiến Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh sản xuất vaccine hàng đầu của Trung Quốc điêu đứng.

Giới quan sát nhận định, lợi thế lớn nhất của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao vaccine chính là tốc độ. Thông qua chiến lược cung cấp vaccine Covid-19 từ khá sớm, Bắc Kinh có thể đã gia tăng quyền lực mềm vào thời điểm mà các nước tiếp nhận chưa thể tiếp cận với vaccine từ phương Tây.

Hơn nữa, động thái nhanh chóng của Trung Quốc còn gia tăng sức cạnh tranh của vaccine, không chỉ với những vaccine có hiệu quả cao của Mỹ mà còn đối với các "đối thủ" đến từ Nga hay Ấn Độ vốn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Bắc Kinh đang giảm dần ảnh hưởng

Tuy nhiên, bất chấp những yếu tố thuận lợi hiện có, khả năng Trung Quốc có thể tuân thủ các cam kết và gặt hái được những lợi ích lâu dài từ chiến dịch ngoại giao vaccine vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Trong cuộc đua ngoại giao vaccine Covid-19, thành công của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào 3 điều kiện: nguồn cung, tốc độ cấp phép và nhu cầu thực. Thật không may, dù được triển khai sớm nhưng dường như Bắc Kinh đang có phần hụt hơi trên cả 3 phương diện.

Trung Quốc gần đây cam kết đến tháng Sáu năm nay sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải sản xuất khoảng 1,12 tỷ liều vaccine và quản lý quy mô tiêm chủng với tốc độ 11,5 triệu liều mỗi ngày.

Vấn đề là với năng lực sản xuất hiện tại, Trung Quốc không thể đáp ứng được mục tiêu đó.

Hiện tại Công ty Công nghệ sinh học Sinovac Biotech và Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (còn được gọi là Sinopharm) chỉ có khả năng sản xuất được 5 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày. Đã có ít nhất 5 tỉnh của Trung Quốc báo cáo đang trong tình trạng thiếu hụt vaccine.

Trong khi đó, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Brazil, tình trạng giao hàng chậm trễ và thiếu vaccine từ Trung Quốc đang khiến các chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia này bị ảnh hưởng, làm dấy lên những lo ngại liệu rằng Trung Quốc có đang lạm dụng chính sách ngoại giao vaccine để thúc đẩy mục tiêu chính trị của mình hay không.

Nhận thức sâu sắc về những tác động bất lợi này, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Hiện Công ty Sinovac Biotech đang tăng công suất hàng năm lên 2 tỷ liều/năm và Sinopharm đang đặt mục tiêu sản xuất 1,1 tỷ liều/năm.

Tuy vậy, việc tăng cường sản xuất vaccine của Trung Quốc chưa thể làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt ngay lập tức và cần có thời gian để kiểm chứng.

Theo các chuyên gia y tế, năng lực sản xuất của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ giảm trong 2 hoặc 3 tháng tới, buộc quốc gia này phải phân bổ có chọn lọc hoặc thay đổi chiến lược quản lý vaccine.

Nếu tình trạng thiếu hụt vẫn diễn ra và chất lượng vaccine không được nâng cao, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu tiêm phòng vào cuối tháng Sáu - thời điểm Mỹ dự kiến sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng.

Do nguồn vaccine Covid-19 phải ưu tiên cho việc triển khai tiêm chủng mở rộng trong nước nên nguồn cung cấp vaccine của Trung Quốc cho bên ngoài sẽ sụt giảm, quy mô chiến dịch ngoại giao vaccine của Bắc Kinh vì thế có thể bị thu hẹp trong những tháng tới. Bắc Kinh sẽ có thể phải duy trì bằng cách trì hoãn giao hàng, giữ lại các hợp đồng và viện trợ bổ sung, hoặc cả hai.

Cạnh tranh gay gắt từ phương Tây

Mặc dù sự chậm trễ trong chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc chỉ là tạm thời nhưng điều này cũng có thể gây tác hại cho chính sách ngoại giao vaccine dài hạn của Trung Quốc khi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chuyển đổi từ quốc gia tiêu thụ vaccine trở thành nhà cung cấp vaccine.

Khi Mỹ triển khai tiêm chủng trên diện rộng và dần tiến gần đến miễn dịch cộng đồng, quốc gia này chắc chắn sẽ nỗ lực thúc đẩy sản xuất để phân phối trên quy mô toàn cầu và tăng cường hỗ trợ các nước.

Ba loại vaccine Covid-19 do Mỹ sản xuất, từ Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer, đều đã nhận được sự chấp thuận của WHO, đặc biệt là hai loại vaccine sau cũng được chứng minh là có khả năng kháng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Đáng chú ý, Mỹ cũng đang nhập hàng triệu liều vaccine của AstraZeneca và các loại vaccine khác, không phải để dùng cung cấp trong nước mà có khả năng cho vay hoặc hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu.

Đối với các nước chưa triển khai tiêm vaccine của Trung Quốc, việc có thêm những lựa chọn về nguồn cung từ Mỹ hay các nước phương Tây có thể khiến việc phân phối vaccine Trung Quốc với số lượng lớn có thể gặp khó khăn.

Xu hướng ưa chuộng và lựa chọn vaccine từ phương Tây trên toàn cầu cũng có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau khi những nghi ngờ về hiệu quả của vaccine Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong khi Trung Quốc báo cáo tỷ lệ hiệu quả của vaccine do Sinopharm sản xuất là 79% thì một nghiên cứu ở Peru lại ghi nhận tỷ lệ hiệu quả thấp hơn rất nhiều, chỉ dừng ở mức 33%.

Đối với vaccine do Sinovac sản xuất, các nhà nghiên cứu Brazil mới đây đã phát hiện ra vaccine này chỉ cho hiệu quả 50,7% trong việc ngăn ngừa những ca nhiễm Covid-19 có biểu hiện triệu chứng.

Ngoài ra, những băn khoăn về việc liệu vaccine Trung Quốc có bảo vệ hiệu quả trước các biến thể mới mà không cần tiêm nhắc lại hay không vẫn chưa chắc chắn.

Bất chấp việc triển khai rộng rãi vaccine Trung Quốc ở Chile và UAE, các ca bệnh vẫn đang không ngừng tăng lên. Đối với các quốc gia đang vật lộn với làn sóng mới trước các biến thể nguy hiểm và có khả năng lây truyền cao hơn, những nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc có thể khiến chiến lược ngoại giao vaccine của Bắc Kinh bị suy giảm rõ rệt.

Mặc dù tình trạng thiếu hụt và tính hiệu quả của vaccine sẽ sớm được Trung Quốc khắc phục vào nửa cuối năm nay nhưng thời điểm đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ có thêm nhiều đối thủ hơn và chính sách ngoại giao vaccine sẽ không gây được sức ảnh hưởng như trước đây.