1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đang chơi trò nghi binh

(Dân trí) - Trung Quốc đang cố tình tạo ra những ồn ào quanh vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam. Nhưng nếu nhìn tổng thể chiến lược biển của Trung Quốc, đảo đá Gạc Ma và Chữ Thập mới là mục tiêu chính.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng tại
Gạc Ma để biến nơi đây thành căn cứ quân sự trong tương lai.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng tại Gạc Ma để biến nơi đây thành căn cứ quân sự trong tương lai.

Bất chấp những phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Thậm chí, nước này còn cử hàng trăm tàu cỡ lớn, gồm cả tàu quân sự, và các máy bay ra hộ tống, ngang nhiên đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và đâm chìm tàu cá của ngư dân Quãng Ngãi.

Những hành động này cho thấy Trung Quốc đang cố đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm để thu hút mọi sự chú ý vào hoạt động của “lãnh thổ di động trên biển”, một hành động tuy mang tính sai phạm nghiêm trọng nhưng xét cho cùng vẫn có thể sửa chữa nếu một ngày nào đó Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trên thực tế, Trung Quốc đang chơi trò nghi binh. Mục đích chính của nước này không phải là việc hạ đặt giàn khoan hay di chuyển nó trong vùng biển của Việt Nam, mà là tiến hành các hoạt động xây dựng lớn trên bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở Trường Sa và bãi đá Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết ở Hoàng Sa của Việt Nam. Theo tính toán của các nhà chiến lược biển Trung Quốc, Gạc Ma và Đá Chữ Thập sẽ được xây dựng trở thành hai căn cứ hải quân lớn nằm ngay tại yết hầu Biển Đông nhằm nhân thêm sức mạnh cho hải quân Trung Quốc và chặn đường ra biển của Việt Nam.

Theo thông tin đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma (mà nước này đánh chiếm bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988) thành một đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó sẽ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch. Những công trình này đang dần được hình thành với sự trợ giúp của máy hút cát dưới lòng biển của Trung Quốc nhằm đưa Gạc Ma trở thành căn cứ nổi quy mô lớn ở Biển Đông với diện tích 30 ha và có thể đón các tàu tải trọng lên tới 5.000 tấn. Một khi được hoàn thành, đây sẽ là nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp cả Philippines và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Bên cạnh Gạc Ma, Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch xây bãi đá ngầm Chữ Thập theo một kịch bản tương tự. Tức là cũng có sân bay, cảng biển và các công trình phục vụ công tác cung cấp tiếp tế, hỗ trợ quân sự cho hải quân Trung Quốc. Hiện tại, Đá Chữ Thập chỉ là một bãi đá chìm dài 14 hải lý, rộng 4 hải lý. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có thể biến bãi đá ngầm này thành một hòn đảo nổi thì nó sẽ là trạm dừng chân chiến lược cho hải quân và có diện tích gấp nhiều lần so với Gạc Ma, gấp 2 lần căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ rộng 44 km2 ở Ấn Độ Dương.

Một số nguồn tin thân cận ở Trung Quốc cho biết hiện đề án xây dựng bãi đá ngầm Đá Chữ Thập đã được trình lên nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc chờ thông qua và sẽ được khởi công thực hiện ngay sau khi công cuộc xây dựng ở Gạc Ma hoàn thành.

Theo các nhà phân tích chiến lược, với những toan tính và hành động nói trên, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ xoay chuyển chiến lược an ninh từ phòng vệ sang tấn công. Bởi một khi phi trường Gạc Ma ở Trường Sa hoàn thành, phi trường ở đảo Đá Chữ Thập được khởi công và phi trường đã có sẵn ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa đi vào hoạt động đầy đủ, Bắc Kinh sẽ có chuỗi các sân bay ở hai đầu Đông Tây của Biển Đông, cơ sở thiết yếu cho việc thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm vùng biển này. Đây thực sự mới là mục tiêu mà Trung Quốc đang nhắm tới và cũng đã được nhiều nước bày tỏ quan ngại ngay khi Bắc Kinh thành lập ADIZ ở Hoa Đông tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, xây dựng các đảo nhân tạo giữa biển đòi hỏi rất nhiều điều kiện từ nguồn lực tài chính, sức người, công nghệ đến cơ sở pháp luật quốc tế… Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dân số hơn 1,3 tỷ người và từ lâu đã chú trọng phát triển công nghệ, Trung Quốc có thể phần nào tự đảm bảo được ba điều kiện đầu. Nhưng còn cơ sở luật pháp quốc tế, Bắc Kinh sẽ không bao giờ có được điều này một khi còn ngang nhiên tiến hành các hoạt động gây hấn trong khu vực, làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin trong cộng đồng quốc tế và gây tâm lý bất an trong chính người dân nước mình.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng thực hiện và thống kê tới 21h00 ngày 7/6, có tới 66% đọc giả lựa chọn phương án nói “không” với xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa so với chỉ 34% số người nói “có”. Ở góc độ là nhà nghiên cứu an ninh khu vực, bà Dương Khiết thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng cho rằng “việc xây dựng đảo nhân tạo có thể gây ra những tác động tiêu cực quan trọng trong khu vực”. Theo bà, những hành động như vậy chỉ khoét sâu thêm sự thiếu tin tưởng ở các nước láng giềng của Trung Quốc và gây ra những bất ổn đáng tiếc.

Khi lòng dân không thuận, dư luận quốc tế không thông, thì những hành động đầy mưu đồ của Trung Quốc chẳng khác nào một tội ác to lớn.   

Với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo bạn, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?
Không
  

Đức Vũ