1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc: Dân số già và những hệ quả tất yếu

(Dân trí) - Có một thực trạng đang xảy ra với những người đang chuẩn bị hoặc mới về hưu tại Trung Quốc: Họ đổ xô đi tìm việc làm, tại một thị trường lao động có tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức rất cao.

Khi bà Chen Rui bước sang tuổi 50 - tuổi về hưu dành cho các phụ nữ Trung Quốc, bà bắt đầu phải làm một việc mà hàng triệu người của thế hệ bà đang làm, đó là tìm một công việc mới.

 

Trong khi nghề nghiệp thứ 2 là chuyện bình thường tại phương Tây và được xem như một cơ hội để thoả mãn những tham vọng lâu dài, thì đối với một số đông người Trung Quốc, việc tìm kiếm công việc làm thêm được trả lương trong 1 hoặc 2 thập kỷ nữa là vấn đề sống còn.

 

Trung Quốc là nước có tỉ lệ dân số già tăng nhanh hơn bất kỳ một quốc gia lớn nào trên thế giới, với tỉ lệ người về hưu sẽ tăng lên gấp đôi trong khoảng thời gian 2005-2015, đạt con số 200 triệu người. Vào năm 2050, khoảng 430 triệu người - chiếm 1/3 dân số - sẽ về hưu.

 

Dân số già sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề và gây đe doạ ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều thập kỷ trở lại đây, quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn được coi là thị trường lao động dồi dào và giá rẻ với hàng triệu nhân công trẻ không được đào tạo từ các vùng nông thôn.

 

Sự thay đổi trong kết cấu dân số cũng xảy ra đồng thời với sự thay đổi trong kết cấu gia đình. Chính sách 1 con của Trung Quốc, được áp dụng từ những năm 1980, sẽ khiến các cặp vợ sẽ phải đối mặt với 4 bố mẹ đang ở tuổi già. Tỉ lệ người lao động so với người về hưu giảm nhanh, từ 10/1 vào năm 1990 xuống còn 6/1 năm 2000 và sẽ là 2/1 vào năm 2040.

 

Tăng độ tuổi của về hưu từ 50 lên 55 (đối với nữ) và từ 55 lên 60 (đối với nam) cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là một giải pháp để xoá đi áp lực đáng kể cho hệ thống chi trả lương hưu hiện nay. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia an sinh xã hội, tăng tuổi về hưu cũng tạo ra hàng hàng loạt các vấn đề cho chính phủ Trung Quốc.

 

Ví dụ, năm ngoái, Trung Quốc có 4,13 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng 30% trong số đó vẫn đang thất nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp cũng ở mức rất cao trong số những người không tốt nghiệp đại học.

 

Cũng giống như hầu hết phụ nữ cùng tuổi, bà Chen Rui chỉ có một đứa con duy nhất, hệ quả của chính sách một con nhằm hạn chế tỉ lệ sinh. Điều đó có nghĩa, bà Chen sẽ phải sống trong tuổi già với mức lương hưu ít ỏi và chỉ có một con để nương tựa.

 

Bà Chen nói: “Tôi đang tiết kiệm tiền cho con gái và cho chính tôi khi về già. Nó hứa sẽ chăm sóc tôi sau khi lập gia đình nhưng tôi không muốn tạo gánh nặng cho cặp vợ chồng trẻ. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc vợ chồng trẻ phải chăm sóc 4 bố mẹ già là điều không dễ dàng”.

 

Đối với chính phủ, vấn đề đau đầu nhất của tình trạng dân số già là sức ép chi trả cho quỹ lương hưu ngày càng tăng. Còn với người dân, khi tuổi thọ trung bình càng gia tăng, tầng lớp những người về hưu sợ đối mặt với quãng thời gian dài đằng đẵng. Họ đang đổ xô đi tìm một công việc mới để lấp đầy thời gian nhàn rỗi và chuẩn bị tốt nhất cho những năm tháng tuổi già.

 

T.N

Theo Forbes, IHT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm