1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đả "hổ", diệt "ruồi" sau chuyển giao quyền lực

Đảng Cộng sản Trung Quốc có một lịch sử dài về các nỗ lực chống tham nhũng và thanh lọc nội bộ, đặc biệt là vào sau các thời điểm chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo.

Mao Trạch Đông nổi tiếng với các cuộc phê bình, đấu tố và Cách mạng Văn hóa.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Sau thời kỳ lãnh đạo của Mao Trạch Đông, lần lượt Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân cùng nỗ lực chống nạn hối lộ và khai trừ ra khỏi đảng các phần tử tham nhũng hay có tư tưởng lệch lạc. Ông Giang Trạch Dân còn đặc biệt cố gắng tái thiết quyền lực kiểm soát của Đảng trong lực lượng quân đội. Tuy nhiên, không nhiều người cho rằng hai nhà lãnh đạo này thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng. Có một thực tế, mà dường như ngày càng được nhiều người chấp nhận như một điều hiển nhiên, cùng với quá trình mở cửa và phát triển kinh tế ở Trung Quốc, các đảng viên cao cấp và những người có quan hệ thân thiết với họ ngày một giàu có hơn.

Tới những năm 2000, ông Hồ Cầm Đào lại thêm một lần nữa gắng sức thúc đẩy các chiến dịch chống hối lộ, một phần do bất bình và phản đối của người dân Trung Quốc với nạn quan chức tham nhũng ngày càng gia tăng. Các chiến dịch này không mấy thành công. Tờ New York Times vào ngày 26-10-2012 đã gây tiếng vang lớn ở cả Trung Quốc và trên trường quốc tế khi công bố gia tài khoảng 2,7 tỷ USD của gia tộc cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Bắc Kinh đã kịch liệt phản bác thông tin này. Còn David Barboza, phóng viên thực hiện phóng sự này, nhận giải thưởng danh giá Pulitzer vào tháng 4-2013.

Ông Hồ Cầm Đào. 

Ông Hồ Cầm Đào. 

Ngay sau khi tiếp nhận quyền lực lãnh đạo, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố ưu tiên chống tham nhũng với chính sách “đả hổ nhưng không để lọt ruồi” (nguyên văn tiếng Anh: “attacking the big tiger but not letting small flies escape”). Các nỗ lực chống tham nhũng trong quá khứ luôn bị chỉ trích là chỉ xử lý vi phạm ở những cấp thấp. Ông Tập đã tỏ rõ quyết tâm làm trong sạch nội bộ đảng khi đặt “đả hổ” lên trước tiên. Trong nhiều tuần gần đây, báo giới Trung Quốc đưa nhiều thông tin về cái chết của hai quan chức đảng ở cấp địa phương Ôn Châu và Hà Nam trong quá trình chịu kỷ luật điều tra của đảng.

Hệ thống kỷ luật đảng vận hành song song với hệ thống tư pháp của nhà nước không phải điều gì xa lạ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khác biệt gây chú ý lần này là báo giới và các mạng xã hội tại Trung Quốc được công khai đưa tin và bình luận về hai vụ việc. Động thái này được Stratfor đánh giá là phản ứng của các quan chức địa phương với chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Chiến dịch này cũng được cho là sẽ sớm hướng tới những xử lý hành vi tham nhũng ở các quan chức có cấp bậc cao hơn. 

Ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình.

Chủ tịch Tập Cận Bình chống tham nhũng trước tiên bằng động thái thống nhất quyền lực lãnh đạo trong đảng cộng sản Trung Quốc, với việc đưa Vương Kỳ Sơn – một người thân cận và cũng thuộc diện ‘Thái tử Đảng’, Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị - vào vị trí Bí thư Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương. Ông Vương được xem là chuyên gia về chính sách kinh tế và tài chính, rất có tiếng về làm việc hiệu quả. Việc xếp ông Vương vào vị trí phụ trách công tác kiểm tra, kỷ luật phần nào gây ngạc nhiên cho giới quan sát nhưng cũng là động thái khẳng định cam kết chấn chỉnh hàng ngũ trong đảng của đội ngũ lãnh đạo mới.

Cái chết của hai quan chức địa phương trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Kỷ luật một mặt cho thấy các cán bộ cấp địa phương của Ủy ban này đang nỗ lực bày tỏ trung thành với trung ương và quyết tâm tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng. Mặt khác, lo ngại về lạm dụng quyền lực đang gia tăng.

Mục tiêu cuối cùng của ông Tập Cận Bình, theo đánh giá của giới quan sát phương Tây, là sắp xếp lại hàng ngũ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Mọi động thái đều là “ví dụ minh họa” cho các đồng chí và cả đối thủ chính trị nhằm đảm bảo những người được lựa chọn sẽ được cắt đặt vào đúng chỗ. Hối lộ và chủ nghĩa thân hữu là những vấn đề chưa có lời giải ở Trung Quốc. Hai sự cố ở cấp địa phương chỉ là “những con ruồi nhỏ”. Cũng đã có những con “hổ” bị ”đả” như cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân. Và có thể sẽ thêm nhiều “hổ” khác trở thành mục tiêu trong tương lai.

Tuy vậy, các nỗ lực thực thi đều vô cùng cẩn trọng nhằm tránh tình huống vòng xoáy ảnh hưởng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Theo Tiền phong/DHVP