1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc cũng gặp nạn "kích điện giun đất" bán cho thương lái

Quốc Đạt

(Dân trí) - Vấn nạn kích điện bắt giun đất đem bán đang gây ra bất an cho người nông dân. Nhà chức trách Trung Quốc cũng từng phải ra quân trấn áp hiện tượng này.

Trung Quốc cũng gặp nạn kích điện giun đất bán cho thương lái - 1

Trung Quốc cũng gặp phải tình trạng kích điện giun đất tràn lan để bán cho thương lái (Ảnh: SCMP).

Thời gian gần đây, truyền thông phản ánh tình trạng kích điện bắt giun đất (hay cong gọi là địa long) để bán cho thương lái Trung Quốc, gây ra nguy cơ hủy hoại môi trường đất. Hoạt động này được một số báo đánh giá là rầm rộ ở các vùng chuyên canh cây nông nghiệp, đặc biệt ở thủ phủ cam Cao Phong, Hòa Bình.

Trên thực tế, kích điện giun đất không phải vấn nạn mới hay chỉ có ở Việt Nam. Từ giữa năm 2022, các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc đã cảnh báo về "thảm họa sinh thái" do vấn nạn này.

Tại sao nhu cầu mua giun đất lại lớn tới vậy và Trung Quốc đã ứng phó bằng cách nào?

Giá trị thương mại của giun đất

"Nó là một vòng lặp quái ác", Tôn Chấn Quân, Giáo sư thuộc Viện Tài nguyên Môi trường, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói về hậu quả của kích điện giun đất. "Vì nó mà giá địa long đã tăng đột biến. Vài năm trước, giun đất phơi khô có giá 70 nhân dân tệ/kg (10USD). Lúc này nó có giá bán 300 nhân dân tệ".

"Địa long' là tên gọi giun đất khi được phơi khô - một thành phần quan trọng trong các bài thuốc Đông y. Giun đất cũng được nhiều cần thủ ưa chuộng để làm mồi câu. Chính nhu cầu ngày một tăng của ngành thuốc Đông y và của các cần thủ đã làm hiện tượng kích điện giun đất tăng mạnh tại Trung Quốc.

Trung Quốc cũng gặp nạn kích điện giun đất bán cho thương lái - 2

Mặt hàng máy kích điện giun đất được rao bán trên sàn thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc (Ảnh: Taobao/SCMP).

Để tiếp sức cho hoạt động săn giun đất đang bùng nổ, các công cụ có tên như "máy địa long" hay "máy kích điện giun đất" đã xuất hiện trên chợ trực tuyến với giá từ 100 tới 800 nhân dân tệ (15-120USD). Một số cửa hàng đã bán được hơn 100.000 máy, theo kết quả điều tra của đài CCTV.

"Họ cắm một đầu dây điện xuống đất và cắm đầu còn lại xuống mảng đất khác. Một lúc sau, rất nhiều giun bò ra khỏi đất. Người dùng nhặt chúng lên, chuyển địa điểm và lặp lại quy trình", một chủ cửa hàng thiết bị điện ở Thâm Quyến nói với CCTV.

"Bí quyết là tìm được chỗ đất ẩm, mềm và màu mỡ. Khách hàng của tôi có thể thu hoạch hơn 5kg giun chỉ sau vài vòng chích điện", bà chủ cho biết.

Thương lái từ địa phương khác đến đôi khi còn phát miễn phí máy kích điện cho nông dân để họ bắt giun đất bán cho mình, theo một bài báo điều tra đăng tháng 7 trên Xinhua, như sự việc xảy ra vài năm trở lại tại huyện Uy Ninh, tỉnh Quý Châu của Trung Quốc.

"Những thương nhân này phát miễn phí "máy địa long" và dạy bà con nông dân cách dùng điện bắt giun đất", một kiểm sát viên huyện Uy Ninh nói, thêm rằng giun đất sau khi phơi khô sẽ được chuyển đến chợ bán buôn thuốc Đông y ở ngoài địa phương.

Trung Quốc cũng gặp nạn kích điện giun đất bán cho thương lái - 3

Một điểm gia công giun đất để chế thành địa long ở Uy Ninh (Ảnh: Xinhua)

Một điểm gia công mỗi tháng có thể sản xuất khoảng 15.000kg địa long, có giá tới 270.000 tệ (hơn 37.000USD), theo vị kiểm sát viên.

Giáo sư Tôn Chấn Quân cho rằng nạn kích điện đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng giun đất. "Việc kích điện bừa bãi sẽ không chỉ giết chết toàn bộ giun đất, từ con non tới trưởng thành, mà còn ảnh hưởng đến các sinh vật khác trong đất", ông Tôn nói.

Nhà chức trách phản ứng

Những năm trở lại đây, nhà chức trách Trung Quốc đã mạnh tay xử lý tình trạng kích điện giun đất.

Tháng 8/2021, tòa án trung cấp Chu Hải ở phía nam tỉnh Quảng Đông ra phán quyết buộc 3 công ty bán thiết bị kích điện giun đất xin lỗi và bồi thường 1,59 triệu nhân dân tệ (240.000USD) vì gây ra thiệt hại sinh thái.

3 công ty trên phải trả tiền bồi thường cho Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc (CBCGDF) có trụ sở tại Bắc Kinh, tổ chức đệ đơn kiện.

Huang Qibai, luật sư hãng luật Hui Ye, cho biết các nhà sản xuất thiết bị kích điện đã bị trừng phạt vì họ và những người săn giun đất đã cùng nhau vi phạm luật môi trường.

Trung Quốc cũng gặp nạn kích điện giun đất bán cho thương lái - 4

Giun đất khô được bày bán ở Ngọc Lâm hồi tháng 7/2022 (Ảnh: Red Star News)

Vị luật sư cho biết tiền bồi thường được xác định không phải dựa vào mức lợi nhuận các công ty này được hưởng từ bán máy móc, mà dựa vào mức độ môi trường bị thiệt hại và độ khó của việc khắc phục thiệt hại.

Cuối tháng 2, Trung Quốc tiến thêm một bước trong đấu tranh chống nạn kích điện giun đất, thông qua việc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ trong một văn kiện về việc cần "xử lý nghiêm" các hành vi hủy hoại đất đai như bẫy giun bằng điện.

Nỗ lực chống nạn kích điện giun đất tại Trung Quốc dường như đã phát huy hiệu quả.

Khi phóng viên Red Star News đến một điểm nóng là thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây điều tra vào tháng 7/2022, nơi đây vẫn bày bán tràn lan giun đất khô và máy kích điện. Nhưng hơn nửa năm sau, tình hình này không còn.

Khi được phóng viên hỏi mua máy kích điện hôm 15/2, một chủ cửa hàng nói không còn dám bán vì không được phép. Trong khi đó, chủ một cửa hàng Đông y ở Ngọc Lâm cho biết địa long hiện nay đều là "nhập từ Thái Lan, còn muốn bán địa long bản địa thì phải làm đúng thủ tục và có nguồn gốc chính thống".

Theo www.scmp.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm