1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc công bố cải cách, nới lỏng chính sách một con

(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc ngày 15/11 đã công bố một loạt cải cách cụ thể, trong đó có việc nới lỏng chính sách một con, đóng cửa các trại lao động cải tạo và giảm bớt các tội danh bị áp dụng khung hình phạt tử hình.

Theo hãng tin AFP, những nội dung nêu trên, cùng với việc nới lỏng kiểm soát nền kinh tế, được công bố trong một văn bản dài 22.000 từ, có tiêu đề “Những vấn đề chính liên quan đến đổi mới sâu rộng toàn diện”, được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải 3 ngày sau khi Hội nghị trung ương 18 của đảng Cộng Sản nước này bế mạc.

Sẽ có thêm nhiều gia đình được phép sinh con thứ hai
Sẽ có thêm nhiều gia đình được phép sinh con thứ hai

Hội nghị này, thường vẫn là nơi những cải cách lớn của Trung Quốc được công bố, diễn ra một năm sau khi các nhà lãnh đạo mới trong bộ máy của Chủ tịch Tập cận Bình tiếp nhận sự chuyển giao từ những người tiền nhiệm.

Theo quy định mới, các cặp vợ chồng sẽ được phép có con thứ hai nếu một trong hai cha mẹ là con duy nhất, thay cho quy định phải cả cha và mẹ đều là con duy nhất hiện nay.

Kể từ sau khi được ban hành cuối những năm 1970 để kiểm soát dân số, chính sách một con của Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi khi đôi lúc được triển khai một cách tàn nhẫn, các cơ quan chức năng dựa vào giấy phép, các khoản tiền phạt và một số trường hợp là ép buộc triệt sản hay ép phá thai dù thai đã lớn, gây ra phản ứng ghê gớm.

Các nhà phê bình cũng cho rằng chính sách này đã góp phần vào sự mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc. Trong năm 2012, cứ 100 bé gái thì có tới 118 bé trai được sinh ra. Một số trường hợp giết hại trẻ sơ sinh gái hay bỏ con gái đã được ghi nhận.

“Chính sách về sinh sản sẽ được điểu chỉnh và cải thiện từng bước để tăng cường “sự phát triển cân bằng của dân số tại Trung Quốc””, Tân Hoa Xã khẳng định.

Trung Quốc sẽ không còn các trại cải tạo lao động
Trung Quốc sẽ không còn các trại cải tạo lao động

Bãi bỏ hệ thống trại cải tạo

Bên cạnh chính sách dân số mới, đó Trung Quốc cũng sẽ bãi bỏ hệ thống “tái giáo dục thông qua lao động”. Theo chính sách này, cảnh sát có thể tống tù nhân vào các trại lao động trong nhiều năm mà không cần xét xử.

Quyết định này là “một phần của những nỗ lực nhằm cải thiện nhân quyền và hoạt động xét xử”, và cũng bao gồm việc giảm “từng bước” số lượng tội phạm nhận án tử hình và tiến tới cấm hành vi tra tấn ép cung.

Hệ thống trại cải tạo gây nhiều phản ứng, còn được biết tới với cái tên “laojiao”, chủ yếu được áp dụng cho những người phạm tội nhẹ, nhưng nó cũng bị cáo buộc có sự lạm dụng quyền hạn lan tràn bởi các quan chức tham nhũng, nhằm trừng phạt những người tố cáo và những ai khiếu nại những quan chức này lên cấp cao hơn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc năm 2009, khoảng 190.000 người Trung Quốc bị giam trong những trại cải tạo này.

Cải cách kinh tế

Cũng nằm trong những cải cách được công bố ngày 15/11, Bắc Kinh dường như đang nới lỏng sự quản lý đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà theo các chuyên gia cần có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

Các kế hoạch này bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh trả cổ tức nhiều hơn cho chính phủ, và cho phép các công ty tư nhân giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, Tân Hoa Xã cho biết.

“Điều này sẽ giúp thúc đẩy một môi trường cạnh tranh hơn”, nhà kinh tế Liu Ligang của ngân hàng ANZ nhận định, và cho biết thêm rằng chính sách mới sẽ khiến các doanh nghiệp quốc doanh nắm giữ nhiều tiền mặt sẽ phân bổ vốn một cách có chừng mực hơn.

Ngoài ra, lãi suất và khả năng tự do chuyển đổi của đồng nhân dân tệ cũng được nới lỏng nhiều hơn. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng được mở rộng. Số lượng các ngân hàng nhỏ cùng các định chế tài chính của tư nhân cũng sẽ được tăng lên.

Thanh Tùng
Theo AFP, BBC