1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc có thể nhập khí đốt Nga rồi tái xuất qua châu Âu?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia đặt ra nghi vấn rằng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu nhập từ Trung Quốc có thể có một phần khí đốt mà Bắc Kinh mua từ Nga.

Trung Quốc có thể nhập khí đốt Nga rồi tái xuất qua châu Âu? - 1

Chuyên gia đặt ra nghi vấn châu Âu có thể đang mua khí đốt của Nga thông qua Trung Quốc (Ảnh: Getty).

DW dẫn lời các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Nga đang siết nguồn cung khí đốt sang châu Âu, mặt hàng này vẫn có khả năng đi vào thị trường EU thông qua trung gian là Trung Quốc.

Trước khi mùa đông lạnh giá tới gần, lượng dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy gần 80% và một phần trong số đó là nhờ nhập LNG từ Trung Quốc, theo Nikkei.

Trong những tháng qua, các công ty LNG Trung Quốc đã tăng nguồn cung cho các thị trường toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh. Trung Quốc đã bán được 4 triệu tấn LNG ra nước ngoài từ đầu năm tới nay. Con số này bằng 7% lượng khí đốt châu Âu tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm.

"Nếu châu Âu mua LNG từ Trung Quốc thì có khả năng một phần khí đốt trong đó là của Nga, đặc biệt là loại hỗn hợp. Tôi không tin là có bất cứ quy tắc nào về nguồn gốc của khí đốt, cuối cùng thì vấn đề thực sự vẫn là sự di chuyển của hàng hóa", chuyên gia Anna Mikulska từ đại học Rice (Mỹ) nhận định.

Trong hơn nửa năm qua, Nga đã từ từ siết chặt nguồn khí đốt sang châu Âu, viện dẫn lý do trục trặc kỹ thuật vì các lệnh trừng phạt EU áp lên Moscow để dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"EU không còn cách nào khác là phải mua khí đốt từ Trung Quốc nhưng họ vẫn đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng vào mùa đông. Bằng cách này, chính Trung Quốc là bên có thể gia tăng lợi nhuận từ việc nhập khí đốt của Nga để bán lại cho châu Âu", bà Mikulska nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng khí đốt Nga bán cho Trung Quốc tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu của Trung Quốc cho năng lượng nhập khẩu từ Nga đã tăng vọt lên 35 tỷ USD, từ 20 tỷ USD một năm trước đó, theo thống kê của Bloomberg.

Tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỷ USD vào năm 2014 để xây dựng Sức mạnh Siberia, một đường ống có đoạn dài 3.000 km ở Nga và 5.000 km ở Trung Quốc. Đường ống này khởi động vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc tới 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm khi đạt công suất tối đa vào năm 2025.

Các kế hoạch năng lượng của Moscow kêu gọi tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nga biết rằng họ cần phải đa dạng hóa sang các thị trường mới sau khi EU giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung.

Tuy nhiên, kể cả có tăng nhập LNG từ Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo rằng châu Âu khó có thể trông chờ vào nguồn cung này để bù đắp cho khoảng trống mà Nga để lại.

Mặt khác, thay vì phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ từ Nga, châu Âu lại quay sang phụ thuộc vào LNG giá cao hơn của Trung Quốc, theo DW. Ngoài ra, châu Âu cũng đang gia tăng nhập khí đốt từ các nguồn cung khác như Na Uy, Algeria, Qatar, UAE, Turkmenistan, Azerbaijan, Oman, Israel, Mỹ và có thể là Iran.

Đây là nỗ lực của châu Âu nhằm "cai" khí đốt Nga, nhưng về lâu dài đây cũng là một bài toán khó với EU. Nhiều lãnh đạo châu Âu cũng thừa nhận kỷ nguyên mua khí đốt giá rẻ của Nga đã khép lại và đó là thực tế phải chấp nhận.

Theo DW
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine