1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc có thể bị "gậy ông đập lưng ông" khi ra đòn với dầu thô Mỹ

(Dân trí) - Trước thông tin Trung Quốc được cho là đã ngừng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Mỹ, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh trong tương lai gần sẽ sớm khôi phục lại hoạt động này, nếu không sẽ bị “thiệt đơn, thiệt kép”.


(Ảnh minh họa: Oil Price)

(Ảnh minh họa: Oil Price)

Reuters ngày 3/10 dẫn nguồn tin từ lãnh đạo của một công ty chuyên vận tải dầu thô từ Mỹ sang Trung Quốc cho biết Bắc Kinh dường như đã ngừng nhập khẩu hoàn toàn mặt hàng dầu thô từ Washington trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hạ nhiệt. Sau đó, Reuters trích dữ liệu theo dõi đường di chuyển tàu thuyền cho biết hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc đã ngừng từ tháng 9.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sớm muộn sẽ nối lại hoạt động này vì động thái của Bắc Kinh có thể tự gây thiệt hại cho chính họ.

Chuyên gia Li Li, nhà nghiên cứu về dầu mỏ và khí đốt, cho rằng việc Trung Quốc từ bỏ nhập khẩu dầu thô từ Mỹ là một sự “hy sinh” không cần thiết của Trung Quốc và có thể mang lại rủi ro tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Bà cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc dường như đang vận động chính phủ tiếp tục nhập dầu thô từ Mỹ và Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục hoạt động này vào tháng 10.

“Dầu thô là nguồn năng lượng chủ chốt có tác động lớn tới điều kiện sống của người dân, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và một số yếu tố kinh tế vĩ mô khác ở Trung Quốc. Nếu giá dầu trong nước tăng hoặc mặt hàng này bị thiếu hụt, nó sẽ gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc dừng nhập khẩu dầu từ Mỹ lại không gây thiệt hại quá nhiều cho Mỹ vì họ có thể xuất khẩu sang nước khác”, bà Li nhận định.

Bà Li cho rằng dầu thô Mỹ sẽ có thể tiếp tục cập cảng Trung Quốc vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 nếu các công ty Trung Quốc bắt đầu đặt hàng trở lại vào tháng 10.

Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây. Họ giành lấy vị trí nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới từ Mỹ từ năm 2017. Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu dầu thô từ Mỹ vào năm 2016, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thông qua đạo luật gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ năm 2015.

Năm ngoái, Trung Quốc nhập trung bình 224.000 thùng/ngày từ Mỹ, tăng 1.018% so với con số 22.000 thùng/ngày hồi năm 2016, theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Có thể bị ép giá

Trước khi căng thẳng thương mại song phương leo thang, Trung Quốc từng nhập khẩu ở mức kỷ lục 510.000 thùng/ngày vào tháng 6. Chính vì vậy, nếu Bắc Kinh từ bỏ hoàn toàn dầu thô của Mỹ, họ có thể sẽ bị ép giá từ các đối tác khác.

“Trung Quốc hoàn toàn có thể tìm được nguồn cung dầu thô thay thế nguồn từ Mỹ. Nhưng vấn đề là Trung Quốc có thể sẽ bị mất đi ưu thế đàm phán và phải chấp nhận bị trả giá cao”, bà Li nhận định.

Chuyên gia này cho biết Trung Quốc hiện đang đối mặt với áp lực từ việc giá dầu thô tăng cao trên thị trường toàn cầu trong thời gian gần đây. Giá dầu Brent đã tăng vọt lên mức 86,3 USD/thùng.

Các chuyên gia khác cho rằng nếu quay lưng với Mỹ, Trung Quốc có thể tìm nguồn cung khác từ Tây Phi, Trung Đông, hoặc Nga.

“Tôi được biết là Trung Quốc bắt đầu tăng lượng dầu nhập khẩu từ Tây Phi. Họ cũng tiếp tục tăng con số này từ Trung Đông và Nga. Ả-rập Xê-út cho biết họ sẽ tăng sản lượng dầu lên 300.000 thùng/ngày trong tháng này (để đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc”, ông Weng Inn Chin, chuyên gia về dầu mỏ tại công ty Facts Global Energy (Singapore), nhận định.

“Quan điểm của tôi là đường ống dẫn dầu từ Nga sang Trung Quốc đã được tối ưu hóa hoàn toàn ở thời điểm này. Nếu Trung Quốc muốn mua thêm dầu thô từ Nga, họ sẽ phải tính tới phương án nhập từ cảng Kozmino. Nhưng chi phí có thể tăng thêm từ 6-7 USD/thùng. Và Trung Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài Nga và Ả-rập Xê-út lúc này”, ông Weng nói.

Theo hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh đã chi 162,3 tỷ USD để nhập dầu thô vào năm 2017, tăng 39,1% so với năm 2016. Nga, Ả-rập Xê-út là 2 nhà cung cấp hàng đầu cho Bắc Kinh, cùng với Mỹ.

Đức Hoàng

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm