1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc cho tàu hải giám lớn nhất ra Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc đã cử tàu hải giám lớn nhất ra Hoàng Sa và Trường Sa - báo chí trong nước của Trung Quốc đưa tin, không lâu sau khi Bắc Kinh cam kết "giữ hòa bình và ổn định" ở Biển Đông và “giải quyết tranh chấp trên vùng biển này thông qua đàm phán”.

Trung Quốc cho tàu hải giám lớn nhất ra Biển Đông - 1
Tàu Hải Tuần 31 rời Trung Quốc trong ngày 15/6 - động thái khiến dư luận quốc tế quan ngại

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua loan báo: “Ngày 15/6, tàu của Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông đã rời đi Singapore trong chuyến thăm thường xuyên”.

Tuy nhiên, để tới Singapore tàu này sẽ đi qua Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tàu tương tự như thế này đã bị tố cáo cản trở hoạt động của các tàu nước ngoài trên Biển Đông, bao gồm cả tàu khảo sát của Mỹ.

Trong khi đó, tờ Nhật báo Bắc Kinh chạy hàng tít: “Tàu tuần tra hàng hải lớn nhất nước ta tuần tra Nam Hải (Biển Đông)”.

Theo đó, Hải Tuần 31 dự kiến sẽ tới Singapore vào thứ Năm tuần tới sau chặng đường dài 2.600km. Báo này cũng nói Hải Tuần sẽ ở lại Singapore 6 ngày trước khi quay trở lại Trung Quốc.

Vào cuối tháng này, Mỹ và Philippines dự kiến có cuộc tập trận CARAT ở Biển Đông.

Những lo ngại về động thái của Trung Quốc

Theo giới chuyên gia, tàu Hải tuần 31 là một trong hai tàu tuần tra dân sự lớn nhất của Trung Quốc. Điểm khác biệt duy nhất với tàu chiến là tàu Hải tuần 31 không trang bị vũ khí hạng nặng.

Tàu Hải Tuần 31 có trọng tải 3.000 tấn, dài hơn 112 mét, tốc độ 18 hải lý/giờ, được trang bị trực thăng, có thể hoạt động liên tục ở ngoài khơi 40 ngày.

Nhưng các chuyên gia phân tích của Hãng tin AnhBBC cho rằng dù chính thức là tàu dân sự, Hải Tuần số 31 hoàn toàn "có năng lực quân sự" khi cần.

Hãng Reuters hôm qua cảnh báo: “Tất cả những công việc mà tàu Hải tuần 31 sẽ tiến hành đều có thể gây ra những chạm trán, xung đột với các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc”.

Thế nhưng, khi đưa tin tàu Hải tuần 31 được điều động tới khu vực này, báo chí Trung Quốc không hề đả động tới những căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.

Hạ viện Anh hôm qua đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang xung đột ở Biển Đông, cho dù Trung Quốc tuyên bố họ cam kết giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán và cam kết "giữ hòa bình và ổn định" trên vùng biển này.

“Hạ viện hoan nghênh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và cũng hoan nghênh lời kêu gọi của các nước ASEAN về việc giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình dựa trên Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển và Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông”.

Hãng tin AFP nhấn mạnh: Trong nhiều tuần qua, Việt Nam và Philippines tố cáo Trung Quốc liên tiếp xâm phạm lãnh hải, đe dọa các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí của hai nước. “Xin nhắc lại là Trung Quốc đã đưa ra yêu sách đòi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, hãng tin viết.

“Tuần trước, Bắc Kinh cho biết sẽ tổ chức tập trận hải quân vào cuối tháng này ở phía Tây Thái Bình Dương, trong lúc đó hải quân Trung Quốc không giấu giếm ý đồ sớm hạ thủy tàu sân bay đầu tiên”.

Trong tuần, Trung Quốc cảnh báo các nước ngoài khu vực “không nên can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông” - một tuyên bố được giới phân tích tại Washington cho rằng “rõ ràng nhằm vào Mỹ”.

Nguyễn Viết

Theo AFP, BBC, Reuters