Trung Quốc: Chính sách ngoại giao thời ông Tập thực dụng chưa từng có
(Dân trí) - Tuần san L'Express nhấn mạnh nhận xét trên qua bài viết có tiêu đề ẩn chứa sẵn dấu hỏi lớn “Tập Cận Bình: Thế giới này là vương quốc của ông ta” (?)
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng ngày 25/9. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đã qua rồi thời "ẩn mình"...
Điều đó được thể hiện rõ trong chuyến công du chính thức Mỹ, khi ông Tập Cận Bình liên tục đưa ra những “sáng kiến ngoại giao” trên mọi lĩnh vực.
Chuyện có vẻ rất khó tin giữa lúc sự trỗi dậy của Trung Quốc dù được Bắc Kinh biện bạch rằng chỉ nhằm mục tiêu “bảo về các lợi ích của Trung Quốc trên toàn cầu” đã và đang tiếp tục gây căng thẳng không chỉ trong khu vực mà còn với cả thế giới.
Tiếp tục phân tích về đường lối ngoại giao hiện nay của Trung Quốc, L'Express số ra từ 23-29/9/2015 nhấn mạnh rằng trong thời hiện đại hôm nay mà Bắc Kinh vẫn muốn cư xử với láng giềng như “Thiên triều với chư hầu”!?
Theo đó đã từ rất lâu, chính sách ngoại giao Trung Quốc (được đưa ra dưới thời ông Đặng Tiểu Bình) có thể được tóm lược qua 4 chữ : “Thao quang dưỡng hối”, có nghĩa là “che giấu năng lực, ẩn mình chờ thời”.
Trên thực tế, giới phân tích cũng nhận định rằng trong ¼ thế kỷ qua, Trung Quốc đã chọn chính sách luôn ẩn mình sau hậu trường quốc tế.
Thế nhưng, L'Express lại cho rằng Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ người khó có thể theo mãi cách cách này. Tới thời của mình, ông Tập Cận Bình đã không còn sử dụng công thức trên nữa và phương châm bốn chữ này đang dần dần biến mất khỏi các bài diễn văn chính thức. Thay vào đó là khẩu hiệu: “Nâm phấn uy phát”, nghĩa là “đấu tranh giành kết quả”.
Theo đương kim Chủ tịch Trung Quốc, giờ không còn chuyện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để cho người khác dẫm lên chân của mình để đi, mà Trung Quốc cần phải có “đường lối ngoại giao nước lớn”.
“ Cần phải tôn trọng chúng tôi như là một cường quốc quan trọng, đấy là điểm thay đổi. Bởi vì Hoa Kỳ dường như không đối xử đúng cách với chúng tôi”. ông Trầm Đinh Lập (Shen Dingli), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ, đại học Phục Đán phụ họa.
Học giả này cũng là người ủng hộ chủ trương của Trung Quốc mở các khu căn cứ quân sự ở nước ngoài cũng như tán thành việc xây dựng các đường băng phi pháp trên Biển Đông như nhiều hình ảnh vệ tinh đã chứng minh. Bất chấp thực tế là các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh tại đây đang ngày càng khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines lo ngại và phản đối.
Thế nhưng, xu hướng “tự khẳng định và tạo sự đã rồi” xem ra có từ trước khi ông Tập lên nắm quyền. L’Express nhắc lại, nhân một cuộc họp tại Hà Nội năm 2010, ông Dương Khiết Trì lúc bấy giờ là Ngoại trưởng, đã tóm tắt rất ngạo mạn như sau về mối tương quan lực lượng trong khu vực: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ. Đấy là sự thật, có thế thôi” (!?)
Chiêu bài kinh tế lợi hại
Phong cách cùng cách thức lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đang tạo thêm đà cho Bắc Kinh tìm cách áp đặt phương châm đó trên trường quốc tế. Khẩu hiệu về cái gọi là“Giấc mơ Trung Hoa” của ông - giấc mơ quốc gia hùng cường và thịnh vượng, được cho là mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc hơn cả khẩu hiệu “hài hòa và phát triển khoa học” của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Trong động thái mới nhất, giấc mơ đó được ông Tập bộc lộ rõ qua màn diễu bình hoành vừa qua trên quảng trường Thiên An Môn.
Đích thân ông Tập Cận Bình còn đưa ra nhiều “sáng kiến cho chính sách đối ngoại” của Trung Quốc như phát triển vành đai hải thương nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á, vươn sang Châu Phi đến Châu Âu, thông qua kênh đào Suez.
Rồi nào là dự án “Một vành đai, một lộ trình”, nào là dự án “Con đường tơ lụa” mới xuyên từ phía Tây Trung Quốc đến vùng Trung Á và xa hơn nữa là Châu Âu.
Hành xử như vậy mà Bắc Kinh vẫn lớn tiếng đổ lỗi rằng “chính những căng thẳng với Nhật Bản và Mỹ đã hạn chế các triển vọng của đất nước họ. Do đó Trung Quốc cần mở ra thêm nhiều cơ hội mới”, theo lý giải ngược đời của ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Hoa.
Không dừng lại ở đó, ông Tập Cận Bình còn chủ xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB). Trên bình diện này, Bắc Kinh có thể tự tán dương trước rằng Trung Quốc đạt thêm một thành công quan trọng. Bởi vì, bất chấp cảnh báo của Washington với các đồng minh, 57 quốc gia đã gia nhập vào định chế mới vốn dĩ được xem như một đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB).
Về điểm này, ông David Lampton, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc của đại học John Hopkins vạch rõ: chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình hiện nay phản ánh sự bành trướng các lợi ích của Trung Quốc ra toàn thế giới.
Chính sách ngoại giao thời Tập Cận Bình
Cũng theo nhận xét của của L'Express, đường lối ngoại giao của Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình mang màu sắc thực dụng chưa từng thấy so với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm.
Là đồng minh ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Myanmar trước đây, ông Tập Cận Bình đã tiếp đón lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Còn trong khu vực Đông Á, Bắc Kinh đang dần tỏ ra lạnh nhạt với đồng minh giềng Bình Nhưỡng, nhưng lại tỏ ra mặn mà hơn với Seoul khi 6 lần liên tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Gueun Hye tới thăm với quan điểm: Tốt nhất nên phát triển lợi ích kinh tế với Seoul hơn là ủng hộ các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng…
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu những bước chuyển mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Thay vì bỏ qua những điểm nóng quốc tế được Bắc Kinh cho là “quá nguy hiểm” vào tay của Nga hay Mỹ như trước đây, thì nay Trung Quốc có vẻ cũng không ngần ngại can dự vào.
Ví dụ điển hình là tại Afghanistan. Bắc Kinh cảm thấy có đủ khả năng để can dự với lá bài kinh tế, qua đó các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có thể phát triển hoạt động trong lãnh vực khai thác khoáng sản.
Lo sợ khủng bố trà trộn vào đất nước, nhất là tại vùng Tân Cương tập trung đông người Hồi giáo, Bắc Kinh sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Afghanistan với phe Taliban nổi dậy.
Và đương nhiên chuyện gì tới thì sẽ tới, hoạt động “tích cực” có phần khác lạ của Trung Quốc gây nên những xích mích với Mỹ. Ngoài sự đồng thuận hiếm hoi trên lĩnh vực môi trường, các bất đồng giữa đôi bên xuất hiện ngày càng nhiều, từ vấn đề Biển Đông đến các vụ tấn công tin tặc.
Washington nghi ngờ các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống tin học để đánh cắp các danh sách địa chỉ quan hệ của các quan chức cao cấp. Kết quả là chỉ vài ngày trước chuyến công du chính thức tới Mỹ của ông Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tuyên bố sẵn sàng thông qua các biện pháp trừng phạt nếu thấy cần thiết.
Tóm lại, nhận định chung của giới chuyên môn gặp nhau ở một điểm. Đó là: không dễ gì tránh được nguy cơ “khủng hoảng nghiêm trọng” hơn giữa Bắc Kinh với Washington. Và như cảnh báo của ông Kim Xán Vinh: “Phần lớn bất đồng không thể nào giải quyết được!”
Mỹ - Trung: bảo vệ khí hậu để che giấu bất đồng
Do đó, những vấn đề hai bên có sự đồng thuận sẽ là rất hiếm hoi. Điển hình trong chuyến công du Mỹ lần này, cả hai cường quốc chỉ có cùng quan điểm trong vấn đề giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Le Monde rút tít nhỏ trên trang nhất “Trung Quốc cam kết về biến đổi khí hậu” với nhận xét rằng hai cường quốc thế giới và cũng là hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất trên hành tinh cùng đề ra các mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tờ Le Figaro đưa tin: “Tại Washington, ông Tập Cập Bình thông báo một kế hoạch tham vọng về khí hậu”. Báo này dẫn nguồn từ New York Times cho biết trong buổi họp báo chung, cả hai nguyên thủ đã đề ra một loạt các biện pháp trong đó có mục tiêu thành lập một thị trường quotas khí CO2 vào năm 2017, nhằm buộc những ngành công nghiệp nào gây ô nhiễm nhất phải trả thuế carbon (thép, xi-măng, giấy, điện lực).
Một mặt tờ báo ghi nhận việc ông Tập Cận Bình muốn gửi thông điệp tích cực hơn đến công luận Trung Quốc, mặt khác chính điều đó cho lại thấy sự lạnh lẽo trong mối quan hệ địa chiến lược Mỹ - Trung bởi các bất đồng về tin tặc, sự đối đầu trên không nguy hiểm và khẩu chiến về Biển Đông.
Theo Washington Post, cho dù được đón tiếp với nghi thức long trọng, nhưng thực ra ông Tập Cận Bình vẫn chưa được người đồng nhiệm Mỹ nồng nhiệt chào đón chừng nào hai bên vẫn còn có những quan điểm địa chính trị hoàn toàn trái ngược nhau.
Quý Cao (tổng hợp từ báo chí Pháp)