1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc “chìm hẳn” trong vụ kiện Biển Đông

Một lần nữa, sự vắng mặt của Trung Quốc trong phiên xử về vụ kiện Biển Đông tại tòa án trọng tài thường trực của Liên hiệp Quốc (PCA) đã tạo "cơ hội" cho Philippines trình bày những lập luận của họ. Lần này, chiến thuật của Philippines là tố cáo trực diện Trung Quốc.

Bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử

Trong ngày cuối cùng của phiên xét xử lần này (30-11), đoàn đại biểu của Philippines đã lần lượt trả lời các câu hỏi mà 5 thành viên bồi thẩm đoàn gồm các thẩm phán: Thomas A. Mensah (chủ tọa), Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Rüdiger Wolfrum và Alfred H. A. Soons đưa ra. Mục đích của những câu hỏi này là làm rõ những cáo buộc mà phái đoàn Philippines đã trình lên hồi tuần trước.

Trung Quốc “chìm hẳn” trong vụ kiện Biển Đông - 1

Quang cảnh trong phiên xử tại PCA về vụ kiện Biển Đông. (Ảnh: Rappler)

Trả lời phỏng vấn báo giới, Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Abigail Valte cho biết: "Chúng tôi đã được trình bày toàn bộ những luận điểm ủng hộ mục đích chính trong vụ kiện của chúng tôi rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã có một vụ kiện có lợi và chúng tôi hy vọng rằng sau phiên tòa này, chúng tôi sẽ có thể nhận được một quyết định từ tòa án trong khoảng 6 tháng tới".

Cũng theo tiết lộ của bà Abigail Valte, ngay trong ngày đầu tiên của phiên xử (24-11), Philippines đã tập trung làm rõ luận điểm rằng, Trung Quốc không hề có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông. Đoàn luật sư nước ngoài mà Philippines đã thuê để phục vụ vụ kiện do luật sư Paul Reichler của Công ty Luật Foley Hoag LLP (trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ) dẫn đầu vẫn tiếp tục đưa ra những lập luận sắc bén. Nhưng khác với phiên xử trước, lần này, luật sư Paul Reichler chỉ đăng đàn để mở đầu phiên biện luận của Philippines còn đâu "nhường" lại phần trình bày cụ thể cho luật sư Andrew Loewenstein, người từng tốt nghiệp xuất sắc Đại học Luật Miami.

Luật sư Andrew Loewenstein là một đối tác với các vụ kiện tụng của Công ty luật Foley Hoag LLP. Ông thường sử dụng luật pháp quốc tế để tranh luận và có chuyên môn đặc biệt là tư vấn cho các chính phủ, các tập đoàn và các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề pháp lý quốc tế, bao gồm liên quan đến tranh chấp biên giới quốc tế, tranh chấp đầu tư nhà nước, pháp luật về môi trường, nhân quyền và nhân đạo. Trước khi đại diện cho Philippines, luật sư Andrew Loewenstein đã giúp nhiều chính phủ khác trong các diễn đàn khác nhau, bao gồm cả Tòa án Công lý Quốc tế  tại The Hague, Trung tâm quốc tế của Ngân hàng Thế giới về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), PCA và tham gia vụ kiện tụng tòa án của Sovereign về miễn trừ luật nước ngoài (FSIA). Luật sư Andrew Loewenstein cũng đại diện cho các tổ chức thương mại tư nhân trước tòa án Trọng tài quốc tế và tòa án ở Mỹ…

Trung Quốc “chìm hẳn” trong vụ kiện Biển Đông - 2

Các luật sư đại diện cho Philippines đang trao đổi tại phiên tòa. (Ảnh: Rappler)

Bà Abigail Valte cho biết, ngay sau khi luật sư Paul Reichler khẳng định, căn cứ vào Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) năm 1982, cái mà Trung Quốc cho là chủ quyền lịch sử tại Biển Đông "không hề tồn tại", luật sư Andrew Loewenstein đã trình bày trước tòa 8 bản đồ cổ từ thời nhà Minh của chính Trung Quốc, cho thấy khu vực nằm trong "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh vẽ ra chưa bao giờ là lãnh thổ của nước này. Ông Andrew Loewenstein khẳng định rằng, Trung Quốc đã không hành xử "quyền độc quyền kiểm soát trong một thời gian dài" và lãnh thổ Trung Quốc ở vị trí cực nam được hiển thị chỉ đến đảo Hải Nam.

Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông như những gì mà nước này đã và đang rêu rao. Luật sư Andrew Loewenstein nhấn mạnh: "Trung Quốc đã dùng các quyền không có thực để vẽ nên đường chín đoạn bao trùm 3,5 triệu km2 trên Biển Đông". Trả lời phỏng vấn báo giới, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ khi đến đây, điều đó thể hiện trong phần trình bày của chúng tôi".

Tố cáo chiêu trò "biến không thành có"

Chưa hết, chiêu trò "biến cái không thể thành cái có thể" của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã được Philippines làm rõ tại phiên xử. Cụ thể, Philippines đã "phơi bày" những "âm mưu" mà Trung Quốc đang thực hiện để đối phó với vụ kiện này; chứng minh các vi phạm của Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh liên tục kéo dài vụ kiện, hung hăng giành độc quyền bên trong cái gọi là "đường chín đoạn" ở Biển Đông. Cùng với lập luận bác bỏ cái gọi là "chủ quyền lịch sử" ở Biển Đông của Trung Quốc, luật sư Andrew Loewenstein còn trình chiếu trước tòa một đoạn video mô phỏng máy nạo vét cắt hút được Trung Quốc sử dụng trên Biển Đông.

Luật sư Andrew Loewenstein lập luận, hành động này đã xâm phạm các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Manila và nước này cũng nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông đã làm ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền lợi kinh tế của các nước láng giềng. Cụ thể, Philippines và Malaysia có thể bị mất tới 80% vùng đặc quyền kinh tế, còn Việt Nam dự kiến sẽ mất khoảng 50%. Riêng Brunei sẽ mất tới 90% vùng đặc quyền kinh tế. Nhiều lời chứng của các ngư dân và việc Bắc Kinh cản trở việc đánh cá truyền thống của người dân các nước trong khu vực cũng được đề cập tại tòa. Theo cáo buộc của phía Philippines, hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc đã tiêu hủy 311ha rạn san hô ở Biển Đông.

Tiếp đó, luật sư Lawrence Martin, cộng sự thân thiết của luật sư Paul Reichler tại Công ty Luật Foley Hoag LLP, người cũng có nhiều kinh nghiệm tham gia các vụ kiện tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Trọng tài… và đặc biệt am hiểu về UNCLOS đã đăng đàn. Luật sư Lawrence Martin đã giới thiệu với tòa án những lời khai của các ngư dân Philippines để chứng tỏ Trung Quốc can thiệp vào hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân trên Biển Đông, đặc biệt tại bãi cạn Scarborough. Một điểm đáng chú ý nữa là luật sư Lawrence Martin biết tiếng Trung Quốc nên có thể tiếp cận và hiểu được nhiều tài liệu của nước này về Biển Đông và tại phiên tòa lần này, ông cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng có được từ các tài liệu tiếng Trung.

Trung Quốc “chìm hẳn” trong vụ kiện Biển Đông - 3

Các hình ảnh cho thấy Trung Quốc gia tăng cải tạo đảo trên Biển Đông. (Ảnh: CSIS)

Giáo sư (GS) Philippe Sands, luật sư của Philippines tiếp lời bằng việc đưa ra bằng chứng các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đã hoàn thành trên các bãi này nhưng khẳng định điều này không làm thay đổi chủ quyền căn bản của các nước. GS Philippe Sands là giảng viên Luật quốc tế tại Đại học London, đã viết nhiều cuốn sách về luật học và những bê bối liên quan đến luật pháp của Anh và Mỹ. Đồng thời, ông còn là cố vấn pháp luật trong một số vụ kiện ở ICJ, PCA. Các nhà phân tích nhận định, GS Philippe Sands đã có những lập luận thú vị tại phiên tòa. Chẳng hạn, theo GS, nếu một thực thể là đảo thì nó là đảo, không phụ thuộc đảo đó là của bên nào.

Để minh họa cho lập luận này, ông lấy ví dụ về vị trí đứng phát biểu của các luật sư trong khán phòng của phiên tranh tụng tại PCA. Với việc trong lúc Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với tất cả các thực thể ở Biển Đông, trong khi Philippines chỉ khởi kiện một số thực thể, GS Philippe Sands khẳng định, nếu có thể phân định một số thực thể, hoàn toàn có thể áp dụng kết quả cho các thực thể còn lại và việc xác định bên nào sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm cũng là vấn đề chủ quyền. Chưa hết, luật sư Philippe Sands còn khẳng định điều 121 trong UNCLOS không thừa nhận các quyền hàng hải của các bãi đá bất chấp việc xây dựng của Trung Quốc. UNCLOS định nghĩa đảo là thực thể phù hợp để con người sinh sống và làm kinh tế trong khi các bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo lại không có sự định cư dân sự.

Bên cạnh đó, Philippines còn bổ sung vào hồ sơ tố cáo của mình những nghiên cứu của GS Alan E.Boyle về việc hệ sinh thái biển ở Biển Đông bị nguy hại do các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo và việc để cho ngư dân tận thu cá và các hải sản khác ở Biển Đông. GS Alan Boyle lại là chuyên gia về luật pháp quốc tế, đã tốt nghiệp Đại học Oxford, Đại học London, Đại học Luật Texas, Đại học Paris… Ông chuyên nghiên cứu về Luật Môi trường quốc tế, Luật Biển và áp dụng các luật vào việc giải quyết những tranh chấp quốc tế. Tại phiên xử, GS Alan E.Boyle đã dùng UNCLOS làm nền tảng lập luận bởi UNCLOS quy định mỗi bên sẽ có một khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) với 200 hải lý và yêu sách phi lý của Trung Quốc đã chồng lấn với EEZ của Philippines.

GS Alan E.Boyle nhấn mạnh, Trung Quốc đã có những vi phạm pháp luật khi tổ chức chiến dịch ngăn chặn tàu cá của các nước, thậm chí còn cố tình gây hấn, đánh chìm những con tàu này.

Những hành động như vậy, theo GS Alan E.Boyle là gây nguy hại đến an ninh hàng hải. Bổ sung cho lý luận của GS Alan E.Boyle, GS luật Bernard Oxman, từng là đại diện thường trực của Mỹ tại Hội nghị Luật Biển LHQ lần thứ 3 và là thẩm phán ở Tòa án Trọng tài, từng thụ lý vụ tranh tụng giữa Malaysia-Singapore; cùng GS Clive Schofield - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nguồn tài nguyên và an ninh ở đại dương thuộc Đại học Wollongong (Australia) cũng  đã trình bày tới 47 luận điểm cho thấy cần phải có những biện pháp mạnh, ngay lập tức và cần thiết để ngăn chặn các hành động phá hoại hệ sinh thái biển ở Biển Đông. Các GS đều khẳng định, tất cả những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy định trong UNCLOS.

Phiên xử lần này tại PCA xung quanh vụ kiện Biển Đông đã diễn ra từ ngày 24 đến 30-11. Theo Hãng tin  BBC, phán quyền hồi tháng 10 của PCA về thẩm quyền của chính tòa này trong vụ kiện của Philippines là một thất bại ban đầu của phía Trung Quốc bởi điều đó đồng nghĩa với việc PCA sẽ tiếp tục xét xử vụ này. Thêm vào đó là sự vắng mặt của đại diện chính quyền Bắc Kinh vì Trung Quốc tuyên bố tẩy chay phiên tòa và Philippines lại có lợi thế về thời gian để trình bày các quan điểm và bằng chứng của mình. Và cũng như lần trước, lần này, chính quyền Manila đã chuẩn bị rất kỹ với việc cử một đoàn đại diện gồm 48 người bao gồm nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, 6 Đại sứ nước này tại các nước châu Âu, các luật sư, chuyên gia, các nhân chứng…

Một điểm mới gây chú ý trong phiên tòa lần này là Anh chính thức yêu cầu được tham dự với tư cách là "quan sát viên trung lập". Trước đó, phiên tòa chỉ đồng ý mời các quan sát viên đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, Indonesia và Thái Lan.

Về việc này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 26-11, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phiên tranh tụng đang diễn ra tại PCA trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30-11".

Theo Sông Thương (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm