1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc “chạy án” bất thành

Theo chương trình đã định, từ 7/7 đến 13/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan khai đình xét xử vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trung Quốc “chạy án” bất thành
Phái đoàn Philippines tại Cung Hòa Bình ở The Hague (La Hay) trước giờ khai mạc phiên điều trần. (Nguồn: Philstar)
 
Giới chuyên môn cho rằng, mặc dù luôn tuyên bố, không tham gia vụ kiện kể trên, nhưng thời gian qua Trung Quốc đã ráo riết vận động trước phiên xét xử của PCA. Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều lời đe dọa, nhưng không khuyết phục được quyết tâm của Manila trong vấn đề này.
 
Từ quyết tâm của Philippines

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, Manila đã cử một phái đoàn gồm nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Philippines tới The Hague để dự phiên tranh luận, gồm Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon, Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte Jr., Ngoại trưởng Albert Del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Tư pháp Leila De Lima cùng một số quan chức cấp cao khác.

Và đại diện của Chính phủ Philippines sẽ tranh luận với 5 thẩm phán của PCA về việc tòa này có đủ thẩm quyền để xét xử vụ kiện tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh hay không. Nếu PCA cho rằng, có đủ thẩm quyền xét xử, Philippines sẽ phải tham gia một phiên điều trần khác và cuộc chiến pháp lý sẽ kéo dài bởi sự bất hợp tác của Trung Quốc. Và vì Trung Quốc không đồng ý, nên Philippines không thể nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague về chủ quyền của những hòn đảo mà Manila đang tranh chấp với Bắc Kinh.
 
Được biết, trong đơn kiện, Manila yêu cầu PCA phân xử về quyền khai thác tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ngày 2/7, bà Hoa Xuân Doanh (Oánh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi vụ kiện kể trên là “hành động khiêu khích” của Manila đối với Bắc Kinh. Trước đó, Trung Quốc còn cho rằng, PCA không có thẩm quyền xét xử một vụ kiện như vậy. Nhưng tháng 4/2015, PCA sau khi ghi nhận hành động phản đối của Trung Quốc, đã tuyên bố tổ chức phiên điều trần về thẩm quyền xét xử từ 7/7 đến 13/7.

Theo giới luật gia, nếu PCA ủng hộ Philippines, quyết định của họ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi không cơ quan nào của Liên Hiệp Quốc giám sát việc thực thi các quyết định của PCA. Tuy nhiên, quyết định của PCA cũng sẽ là một thất bại trên phương diện ngoại giao đối với Trung Quốc và thôi thúc các nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh bắt chước Philippines kiện Trung Quốc.

Tính đến nay có “5 nước, 6 bên” đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tại Biển Đông. Được biết, các luật sư Mỹ đang hỗ trợ pháp lý cho Philippines trong vụ kiện kể trên. Đoàn luật sư của Philippines gồm Luật sư trưởng Florin Hilbay, đại diện cho Chính phủ Philippines, và Luật sư Paul Reichler của Mỹ, sẽ trình bày lập trường của Manila tại PCA.
 
Trung Quốc “chạy án” bất thành
Căn phòng tại cung Hòa Bình tại The Hague, thời điểm trước giờ khai mạc phiên điều trần. (Nguồn: Philstar.com)

Tới vị thế quan trọng của ASEAN

Ngày 4/7, trong bài viết "Trung Quốc đang đánh mất ASEAN như thế nào" đăng trên tờ Straits Times (Singapore), tác giả Ravi Velloor cho rằng, việc gây sức ép với các nước ASEAN và hung hăng tại Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc bị thiệt thòi, nhất là về kinh tế. Theo tờ Straits Times, trong khi Trung Quốc mất dần ảnh hưởng ở ASEAN, Mỹ và Nhật Bản ngày càng gắn kết với khu vực này.

Trước đó (3/7), Hãng AFP nhận định, Washington đang lo ngại trước hoạt động xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông của Trung Quốc bởi mang ý nghĩa quân sự, và có thể làm suy yếu thực lực kinh tế, cũng như hải quân của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken từng cho rằng, dự án cải tạo đảo với quy mô lớn ở Biển Đông của Trung Quốc là “mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định” trong khu vực.

Khi bình luận trên tờ The National Interest về lý do tại sao ASEAN không thể chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông (1/7), Amanda Conklin, học giả chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh và quan hệ quốc tế khu vực châu Á cho rằng, nếu không có một nhà lãnh đạo tận tâm và có khả năng dẫn dắt ASEAN trong các vấn đề chính trị - an ninh, thì “ngọn núi lửa Biển Đông” sẽ phun trào định kỳ các cuộc khủng hoảng và có thể đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn kinh niên.

Ông Amanda Conklin đã dẫn cuộc đàm phán kéo dài 13 năm giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để minh chứng cho nhận định kể trên. Theo đó, Trung Quốc sắp hoàn tất chiến dịch bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp quy mô lớn, làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, nhưng ASEAN vẫn không thể hình thành được một chính sách thống nhất chống lại sự bành trướng này. Giới phân tích cảnh báo, Trung Quốc đã và đang khai thác triệt để mâu thuẫn, chia rẽ giữa các thành viên ASEAN để hưởng lợi trong vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông.
 
Trung Quốc “chạy án” bất thành
Người dân Philippines giương cao biểu ngữ phản đối các hành vi gây hấn trên Biển Đông, trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila. (Ảnh: AFP)

Trong cuốn “Sự trỗi dậy của Trung Quốc đối lập với logic chiến lược”, nhà phân tích chiến lược Edward Luttwark đã ví von các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông là những triệu chứng của hội chứng “tự kỷ nước lớn”. Có nhà phân tích cho rằng, chiến lược “Ngoại giao ngoại vi” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là một phản ứng trước các nhận định, Bắc Kinh không khéo léo trong quan hệ với láng giềng và đang tự đẩy mình vào thế bị các nước liên kết với nhau, kể cả Mỹ và Nhật Bản để chống lại.

Theo Tuấn Quỳnh
PetroTimes