1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc chật vật trên thị trường buôn bán vũ khí thế giới

(Dân trí) - Mạng tin quân sự Sina ngày 22/9 đưa tin Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường buôn bán vũ khí thế giới do sự cạnh tranh và phản đối từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ.

 

Tàu ngầm S-26T của Trung Quốc (Ảnh WantChinaTimes)
Tàu ngầm S-26T của Trung Quốc (Ảnh WantChinaTimes)

Dù đã vượt Đức để trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới trong năm nay, nhưng các công ty sản xuất vũ khí của Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giành được các hợp đồng.

Hồi tháng 6 vừa qua, Thái Lan được cho là đã đồng ý mua 3 tàu ngầm loại S-26T từ Trung Quốc với giá khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này đã bị đình lại trong tháng 7.

Nguyên nhân được đưa ra là do Bangkok vẫn còn đang cân nhắc xem loại tàu nào phù hợp nhất với mục đích sử dụng của nước này. Thế nhưng, có thông tin cho rằng thỏa thuận mua tàu ngầm đã bị đình lại do sức ép từ phía Mỹ.

Ông Huang Dong, Chủ tịch Viện Quân sự Quốc tế Ma Cao, trả lời trên tờ Minh Báo cho rằng Trung Quốc đang rất mong muốn tìm được những đối tác cho loại tàu ngầm S-20 thế hệ mới, với phiên bản xuất khẩu có tên gọi là Type 039A, và tàu ngầm S-26T.

Tuy nhiên, tính tới nay Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận mua bán với bất cứ nước nào về các loại tàu ngầm nêu trên.

Ai Cập, quốc gia mua 4 tàu ngầm từ Trung Quốc trong những năm 1980, được cho là một khách hàng tiềm năng song Cairo vẫn đang cân nhắc giá giữa tàu ngầm Trung Quốc và tàu ngầm Đức.

Tương tự, Pakistan cũng được cho là đang chú ý tới mẫu tàu ngầm của Trung Quốc. Tháng trước, có thông tin cho rằng Pakistan đã đạt được thỏa thuận mua 8 tàu ngầm từ quốc gia Đông Bắc Á song truyền thông phương Tây khẳng định cuộc đàm phán mới chỉ diễn ra và hai bên chưa chốt lại được thỏa thuận cuối cùng.

Ông Huang cho rằng Pakistan cũng đang đàm phán với các quốc gia khác để gây sức ép với Trung Quốc, buộc nước này hạ giá. Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là không hài lòng với "chiến thuật" kiểu này của Islamabad.

Một thương vụ khác cũng cho thấy sức ép từ phương Tây trong các hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chính là về hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng có ý định mua hệ thống này nhưng thương vụ cũng đã bị ngưng lại do vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ.

Theo số liệu được công bố hồi tháng 3 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn từ 2009 tới 2014 đã tăng 143%, qua đó giúp nước này vượt Đức để trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu vũ khí.

Tuy nhiên, so với hai nước đứng đầu trong lĩnh vực này là Mỹ và Nga, Trung Quốc mới chỉ đóng "vai nhỏ" trên thị trường buôn bán vũ khí thế giới, chiếm khoảng 5% thị phần.

Ngọc Anh

Theo WantChinaTimes

 

Trung Quốc chật vật trên thị trường buôn bán vũ khí thế giới - 2