1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc chào mời tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí, giới ngoại giao e dè

An Bình

(Dân trí) - Các nhà ngoại giao châu Âu muốn tiêm vắc xin được cấp ở trong nước, thay vì vắc xin Trung Quốc. Nhưng việc trở về nước để tiêm vắc xin khiến việc quay lại Trung Quốc sẽ phức tạp.

Trung Quốc chào mời tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí, giới ngoại giao e dè - 1

Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 40% dân số đến tháng 7 năm nay. (Ảnh: Reuters)

Tâm lý e ngại vắc xin Trung Quốc

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Trung Quốc đã đề nghị tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhà ngoại giao nước ngoài, có thể ngay trong tháng này. Nhưng đề nghị này nhận được phản hồi e dè từ các nhà ngoại giao nước ngoài giữa những lo ngại rằng việc tiêm vắc xin có thể gây phức tạp chuyện đi lại trong tương lai.

Các nguồn tin cho biết, cục lễ tân thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo trong tuần này rằng các nhà ngoại giao có thể có được tiêm vắc xin Sinovac do công ty dược nhà nước Trung Quốc Sinopharm phát triển.

Các nhà phát triển cho hay vắc xin của Sinopharm có hiệu quả 79% và sản phẩm này đã được phê chuẩn để sử dụng rộng rãi hồi tháng 12 năm ngoái. Nó được phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vào tháng 7 và đã được tiêm cho một số quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc vào thời điểm đó.

Vắc xin Sinovac đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên người tại 10 quốc gia, và cũng được phê chuẩn sử dụng khẩn cấp tại các nơi khác trên thế giới, nhưng cho tới nay các hãng phát triển vẫn chưa công bố các kết quả chi tiết của những cuộc thử nghiệm. Vắc xin này đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem xét sử dụng khẩn cấp.

Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết, đề nghị tiêm vắc xin có thể là tin tốt cho các nhà ngoại giao mà quốc gia sở tại của họ đã phê chuẩn Sinovac hoặc hiện khan hiếm vắc xin.

"Chúng tôi e ngại vì chúng tôi muốn tiêm vắc loại vắc xin đang được triển khai tại đất nước mình" nhà ngoại giao trên nói, đề cập tới các vắc xin của phương Tây là Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford.

Nhà ngoại giao châu Âu trên cho hay chuyện về nước để tiêm vắc xin và quay lại Trung Quốc quá phức tạp. Sau khi tiêm vắc xin, họ cũng gặp khó khăn khi xét nghiệm để quay trở lại Trung Quốc làm việc.

Bắc Kinh yêu cầu các hành khách nhập cảnh vào nước này phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính và có kháng thể IgM - thường là dạng kháng thể đầu tiên được hình thành để phòng ngừa sự lây nhiễm - trong vòng 48 giờ khi lên máy bay.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận các xét nghiệm dương tính với kháng thể sau khi tiêm vắc xin khá phức tạp và bộ này đang phối hợp để đảm bảo rằng những người đã được tiêm vắc xin có thể vào Trung Quốc dễ dàng hơn bằng cách thỏa mãn các điều kiện khác.

Mặc dù vậy, vẫn xảy ra các trường hợp những người bị tiêm vắc xin bị từ chối vào Trung Quốc sau các cuộc kiểm tra như vậy dù đã có chứng nhận tiêm vắc xin.

Một số đại sứ quán đang thảo luận với Bắc Kinh để làm rõ các thủ tục nhằm cho phép các nhà ngoại giao trở về nước tiêm vắc xin và quay lại Trung Quốc dễ dàng.

Một nhà ngoại giao châu Á cho biết ông bất ngờ về đề nghị của Bắc Kinh và sẽ đợi hướng dẫn từ đất nước của ông trước khi ra quyết định.

"Một trong những vấn đề cân nhắc là liệu có tiêm một loại vắc xin chưa được phê chuẩn tại quê nhà hay không. Tôi không biết liệu các vắc xin như vậy sẽ được công nhận nếu có một cái gọi là 'hộ chiếu vắc xin' cho phép đi lại trong tương lai", nhà ngoại giao nói.

Trung Quốc chưa phê chuẩn bất kỳ vắc xin nước ngoài nào

Mặc dù 2 loại vắc xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca-Oxford đã có các thỏa thuận cấp phép với các công ty Trung Quốc để được nhập khẩu hoặc sản xuất tại Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cho tới nay chưa phê chuẩn vắc xin nước ngoài nào.

Một nhà ngoại giao khác cho hay phần lớn sự bất tiện sẽ được giải quyết nếu Trung Quốc "bật đèn xanh" cho một loại vắc xin đã được phê chuẩn tại các nơi khác trên thế giới.

Công ty Trung Quốc Fosun, hãng chịu trách nhiệm vấn đề thương mại của Pfizer-BioNTech, đã kết nối với một số đại sứ quán về việc tiêm vắc xin cho các nhà ngoại giao và các nhân viên không phải người Trung Quốc của các công ty quốc tế. Tuy nhiên, việc tiêm sẽ không thể diễn ra cho tới khi Trung Quốc phê chuẩn chính thức vắc xin này.

Vắc xin AstraZeneca-Oxford, đã được phê chuẩn sử dụng khẩn cấp tại Liên minh châu Âu và được WHO cấp phép, đã có một thỏa thuận với công ty BioKangtai tại Thâm Quyến, nơi một cơ sở sản xuất đã sẵn sàng nhưng vắc xin này cũng chưa được phê chuẩn tại Trung Quốc.

Cho tới nay, khoảng 52 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được cung cấp tại Trung Quốc. Giới chức đang tập trung vào việc tiêm chủng cho những đối tượng cần thiết và những người có nguy cơ cao mắc hoặc làm lây nhiễm Covid-19. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 40% dân số đến tháng 7 năm nay, nhưng chương trình không bao gồm người ngoại quốc sống và làm việc tại nước này.