Trung Quốc cảnh báo thỏa thuận tàu ngầm lịch sử của Australia
(Dân trí) - Trung Quốc cảnh báo Mỹ, Anh và Australia "tiến xa hơn vào con đường nguy hiểm" sau khi công bố thỏa thuận tàu ngầm.
"Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng minh rằng 3 nước, vì lợi ích địa chính trị của mình, hoàn toàn phớt lờ những lo ngại của cộng đồng quốc tế, ngày càng tiến xa hơn và đi sâu hơn vào con đường sai lầm và nguy hiểm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay 14/3.
Ông Uông cáo buộc 3 nước đồng minh phương Tây kích động một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời cho rằng thỏa thuận AUKUS là "một trường hợp điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh". Theo ông, việc bán tàu ngầm "gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng và vi phạm các mục đích cũng như mục tiêu của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân".
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra lãnh đạo Mỹ, Australia, Anh ngày 13/3 công bố chi tiết thỏa thuận cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030, hay còn gọi là thỏa thuận AUKUS.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bán cho Australia 3 tàu ngầm lớp Virginia bắt đầu từ đầu những năm 2030 và được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình thẳng đứng và dự kiến đưa vào biên chế đầu những năm 2040.
Ước tính, chi phí chế tạo và vận hành các tàu này đến giữa những năm 2050 có thể ngốn của Australia từ 268 tỷ USD đến 368 tỷ USD.
Phát biểu trong buổi lễ công bố diễn ra ở căn cứ hải quân Mỹ tại San Diego cùng với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận AUKUS là một phần trong cam kết hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông nêu rõ, các tàu ngầm cung cấp cho Australia là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, không phải được trang bị vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh, AUKUS đánh dấu "một chương mới" trong mối quan hệ giữa 3 nước. "Thỏa thuận AUKUS mà chúng tôi công bố hôm nay ở San Diego là khoản đầu tư vào quốc phòng lớn nhất trong lịch sử của Australia", ông nói.