1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc biểu quyết thông qua dự thảo Luật Lập pháp sửa đổi

Kỳ họp thứ ba Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Lập pháp sửa đổi vào ngày 15/3 tới - lần sửa đổi đầu tiên sau 15 năm Trung Quốc ban hành đạo luật này.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc (Ảnh: Thu Yến Kiên/TTXVN)
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc (Ảnh: Thu Yến Kiên/TTXVN)

Tại buổi họp báo ngày 9/3 bên lề kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Pháp chế Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trịnh Thục Na cho biết dự thảo Luật Lập pháp sửa đổi có bốn điểm chính.

Một là, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ban hành các quy định không được giảm quyền lợi hoặc tăng nghĩa vụ của công dân, pháp nhân, và các tổ chức khác khi không có căn cứ pháp luật, quy phạm hành chính, quy định do hội đồng nhân dân ban hành.

Mặt khác, chính quyền thành phố trực thuộc trung ương và đặc khu hành chính có quyền ban hành quy định đối với một số biện pháp chưa được quy phạm của hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh. Tuy nhiên, các quy định này chỉ có hiệu lực trong hai năm, nếu sau thời hạn này không được hội đồng nhân dân thành phố thông qua sẽ hết hiệu lực. Các quy định liên quan đến các vấn đề như hạn chế xe lưu thông trong thành phố, hạn chế mua xe ôtô, mua nhà…. phải được Quốc hội (hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành) thông qua.

Hai là, dự thảo Luật Lập pháp sửa đổi quy định rõ chế độ cơ bản về quản lý các loại thuế chỉ có thể do pháp luật quy định. Hiện nay, trong số 18 loại thuế ở Trung Quốc chỉ có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tàu xe là do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, còn 15 loại thuế khác đều do Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời trưng thu.

Ba là, các văn bản giải thích tư pháp trong công tác xét xử, kiểm sát của tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu hồ sơ trong vòng 30 ngày sau khi công bố, nhằm hạn chế quyền tư pháp của tòa án và viện kiểm sát, tránh vượt quyền lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bốn là, mở rộng phạm vi thành phố các cấp được hưởng quyền lập pháp, từ 49 thành phố trước đây tăng lên 284 thành phố. Ngoài ra, hội đồng nhân dân các thành phố này có thể ban hành quy phạm về các mặt như xây dựng và quản lý thành thị, bảo vệ môi trường, bảo tồn lịch sử văn hóa…

Luật Lập pháp là bộ luật quy phạm hóa các hoạt động lập pháp, nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đảm bảo và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật, xây dựng nhà nước pháp trị chủ nghĩa xã hội, được ban hành căn cứ theo hiến pháp./.
 
Theo (TTXVN/Vietnam+)
 
http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-bieu-quyet-thong-qua-du-thao-luat-lap-phap-sua-doi/311245.vnp