1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc bị nghi đưa máy bay ném bom trái phép đến đảo Phú Lâm

Minh Phương

(Dân trí) - Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án Bắc Kinh quân sự hóa phi pháp Biển Đông và đưa ra các đòi hỏi chủ quyền phi lý.

Trung Quốc bị nghi đưa máy bay ném bom trái phép đến đảo Phú Lâm - 1

Bức ảnh được cho là máy bay ném bom của Trung Quốc xuất hiện trái phép ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Twitter)

Một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc dường như cho thấy một trong những máy bay ném bom hiện đại nhất của nước này đã đáp xuống đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông, Sputnik đưa tin ngày 12/8.

Bức ảnh, ban đầu xuất hiện trên mạng xã hội Weibo trước khi lan truyền trên Twitter, cho thấy một máy bay ném bom Xian H-6J- phiên bản cải tiến của máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc, dường như đậu trên đường băng ở đảo Phú Lâm.

Nếu bức ảnh được xác thực, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay ném bom này đồn trú phi pháp ở khu vực. Trung Quốc từng triển khai trái phép các máy bay chiến đấu gồm J-10, J-11BH và JH-7A ở đảo Phú Lâm.

Thời báo Hoàn cầu nói rằng, H-6J mới ra mắt gần đây và dường như lần đầu tiên máy bay này diễn tập tác chiến ở Biển Đông hồi cuối tháng trước. Theo báo này, H-6J có thể mang theo 7 tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 - tên lửa có tầm hoạt động khoảng 400km.

Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp.

Tháng trước, tạp chí Forbes của Mỹ dẫn các ảnh chụp vệ tinh ngày 15/7 cho thấy, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai trái phép ít nhất 4 máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm. Các máy bay này được cho là J-11B.

Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ ra tuyên bố bác hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi những yêu sách này là “phi pháp”. Giới quan sát cho rằng, tuyên bố của Washington đánh dấu một bước ngoặt trong lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông, cho thấy một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.