1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc bí mật thiết kế máy bay ném bom tàng hình tầm xa

(Dân trí) - Quân đội Trung Quốc đang thiết kế một mẫu máy bay ném bom tàng hình tầm xa với năng lực tương tự máy bay F-117 và B-2 của không quân Mỹ, một đại tá quân đội nước này xác nhận.

Hình vẽ mô phỏng mẫu máy bay ném bom tàng hình tầm xa của Trung Quốc
Hình vẽ mô phỏng mẫu máy bay ném bom tàng hình tầm xa của Trung Quốc

Theo tờ Want China Times của Đài Loan, thông tin trên được ông Wu Guohui, đại tá của không quân, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) xác nhận với tờ Nhân dân nhật báo.

Khi ra đời vào năm 1949, Trung Quốc không có nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển các máy bay ném bom tầm xa, do lãnh đạo nước này lúc bấy giờ tin rằng các lực lượng trên bộ có vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc.

Trong thời gian xảy ra chiến tranh Đài Loan và khủng hoảng eo biển Đài Loan, PLAAF mới được thành lập với tư cách một lực lượng không quân chiến thuật nhằm hỗ trợ cho bộ binh trong chiến đấu. Mãi đến năm 1978, khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, một PLAAF hiện đại mới bắt đầu định hình.

Ông Wu cho rằng một máy bay ném bom tàng hình tầm xa có khả năng phóng nhiều hơn một tên lửa trong các trận không chiến, bởi nó không thể bị phát hiện bởi radar địch. Đó cũng là lí do vì sao Mỹ sẵn sàng chi tới 1,2 tỷ USD để mua 80 - 100 máy bay ném bom tàng hình thế hệ hai.

Nhận thấy Mỹ cũng đang phát triển máy bay ném bom tàng hình thế hệ hai dựa trên máy bay tàng hình B-2, vị sỹ quan này cho biết giờ chính là lúc Trung Quốc cần tìm máy bay thay thế cho mẫu máy bay ném bom chiến lược H-6 có từ thời Chiến tranh lạnh.

Cả Mỹ và Nga đều đang phát triển những máy bay ném bom mới và Trung Quốc chắc chắn sẽ có máy bay ném bom tàng hình của riêng mình, đại tá Wu quả quyết.

Tham vọng của Trung Quốc trong việc sở hữu máy bay ném bom tàng hình lần đầu được John Reed, một nhà phân tích quân sự khẳng định trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 6 vừa qua.

Dựa trên các mẫu máy bay được đăng tải trên các website của Trung Quốc, ông Reed nhận định Bắc Kinh thường trưng bày những hình mẫu ở quy mô nhỏ trước khi bắt tay vào sản xuất các máy bay thực sự.

Trong khi đó, Vasiliy Kashin, một nhà phân tích người Nga tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ khẳng định với đài phát thanh Tiếng nói nước Nga rằng, mẫu máy bay ném bom tàng hình mới của Trung Quốc hẳn sẽ phải có khả năng tấn công các mục tiêu tại Bắc Mỹ nếu nó thực sự muốn trở thành một mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ.

Dù vậy, một số nhà phân tích đã tỏ ra hoài nghi về khả năng của Trung Quốc trong việc thiết kế máy bay ném bom tàng hình của riêng mình. Một nguồn tin nhận định không nước nào trên thế giới ngoại trừ Mỹ có kinh nghiệm đầy đủ trong việc phát triển loại máy bay này. Ngay cả những nước có công nghiệp hàng không phát triển như Nga cũng gặp giới hạn trong thiết kế hầm gió cho các máy bay ném bom tàng hình.

Nguồn tin này cho biết thêm rằng Trung Quốc thậm chí không thể thiết kế động cơ cho chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-20 của mình, và họ buộc phải dựa vào các động cơ Saturn AL-31 mua từ Nga thông qua việc mua các chiến đấu cơ Su-35.

Richard Aboulafia, phó chủ tịch Teal Group Corporation, một công ty phân tích tại Mỹ cho biết việc Trung Quốc phát triển một mẫu máy bay thực sự sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với phiên bản mẫu. Nếu mẫu máy bay ném bom tàng hình này được thiết kế với động cơ và hệ thống điện tử hàng không của mình, nước này phải mất ít nhất một thập kỷ mới hoàn tất, Aboulafia nói.

Thanh Tùng
Theo Want China Times