1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bí mật bồi thường cho nạn nhân của Bạc Hy Lai

(Dân trí) - Hàng trăm triệu USD tài sản bị tịch thu đang được Trung Quốc âm thầm trả lại cho các nạn nhân của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, nhưng nhiều người phải ngồi tù oan vẫn chưa được xóa án.

Cựu bí thư Trùng Khánh trong lần xuất hiện trước tòa
Cựu bí thư Trùng Khánh trong lần xuất hiện trước tòa

Hồi đầu năm nay, một chiếc điện thoại tại văn phòng của Yuxi Bandao, một trong những công ty xây dựng lớn nhất thành phố Trùng Khánh đã đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, một sỹ quan cảnh sát đã phát đi một thông tin tốt lành với công ty này.

Sau 3 năm, số tiền 2 tỷ nhân dân tệ (326,3 triệu USD) trong tài khoản của công ty đã được mở phong tỏa.

Đây chính là một sự thừa nhận rõ ràng của cảnh sát rằng, công ty này đã trở thành nạn nhân của những sai trái dưới thời cựu Bí thư Bạc Hy Lai.

Yuxi Bandao là một trong số hàng trăm công ty bị Bạc Hy Lai và “bàn tay thép” của mình là cảnh sát trưởng Vương Lập Quân nhắm tới trong chiến dịch 2 năm có tên “Đập tan thế lực đen tối!”.

Ông Bạc đã tô son, trát phấn cho chiến dịch này như thể một sứ mệnh để khiến Trùng Khánh không còn mafia. Theo số liệu chính thức, từ năm 2009 - 2011, 7400 người đã bị bắt giữ.

Nhưng đây cũng là một cách để ông Bạc hủy diệt các đối thủ của mình và bòn rút từ các doanh nghiệp tư nhân. Theo tờ nhật báo Trùng Khánh, khoảng 11 tỷ USD đã bị tịch thu từ những người bị bắt.

Có nhiều lời đồn đoán rằng ông Bạc cần tiền để tài trợ cho những dự án công hào nhoáng, giúp ông được lòng tầng lớp lao động, nhưng khiến thành phố gần như phá sản.

Doanh nghiệp tư nhân tê liệt

Giờ những số tiền đó đang được hoàn trả. Nhưng còn có một vụ bắt giữ: chủ tịch của Yuxi Bandao, Wang Neng, một doanh nhân có tiếng và cũng là thành viên hội đồng nhân dân Trùng Khánh, vẫn đang phải ngồi tù. Ông bị tuyên án chung thân sau khi bị ông Bạc gán cho là xã hội đen.

“Chiến dịch Đập tan thế lực đen tối thực sự ảnh hưởng tới nền kinh tế của thành phố bị ảnh hưởng”, Deng Jiwei một luật sư 56 tuổi, ôn hòa và từng tư vấn cho ông Deng nói. “Các doanh nghiệp tư nhân bị tê liệt và để khiến họ hoạt động trở lại, họ cần phải trả lại tiền cho khu vực tư nhân”.

Ông Bạc đã bị phế truất, tống giam chung thân mùa Thu vừa qua vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, nhưng tình hình tại Trùng Khánh vẫn còn mong manh, một cựu viên chức giấu tên của thành phố này cho biết.

Các dự án xây dựng tại nhiều quận, huyện đã đình trệ, một số phóng viên tại các tờ báo của chính phủ không được trả lương đều đặn, thậm chí các viên chức chính phủ đôi khi cũng bị trì hoãn trả lương, nguồn tin trên cho hay.

“Tôi nghĩ rằng họ sẽ mở lại các vụ án đó nhưng thật khó để biết sẽ phải mất bao lâu”, ông Deng nhận định. “Trước hết, có quá nhiều điều cần được rà soát lại. Kế đến, toàn bộ những người bị kết án oan đang ngồi tù; cũng không có áp lực cấp bách nào phải giải quyết các vụ việc này, hoặc ít nhất nó không quan trọng bằng việc hàn gắn nền kinh tế của thành phố”.

Mới chỉ có 3 trong số hàng nghìn người bị giam đến nay đã được xóa án, ông Deng khẳng định. “Họ đang tiến hành mọi việc một cách rất thận trọng”.

Bản thân ông Deng cũng từng bị giam và đưa ra xét xử vì “che giấu” cho ông Wang thông qua việc tư vấn pháp lý.

Ông đã bị đưa qua nhiều trung tâm tạm giam khác nhau, vốn được cảnh sát thuê riêng để phục vụ chiến dịch Đập tan thế lực đen tối. “Các trung tâm đó giờ đã bị đóng cửa. Tôi dù sao cũng được đối xử một cách khoan dung so với những người khác, nhưng vẫn tệ”, vị luật sư nói.

“Tôi trở thành một con số: A0045-41. “A” ám chỉ tôi là một “kẻ thù nghiêm trọng” và 0045 là đội cảnh sát thụ lý vụ việc của tôi. Số của tôi là 41. Họ trói tôi vào một cái ghế rồi tạt nước lạnh vào người để khiến tôi tỉnh táo. Hai máy điều hòa lớn thổi hơi lạnh vào mặt tôi. Và thường xuyên họ đem giấy tờ tới cho tôi ký. Nếu tôi ký, họ sẽ nới lỏng dây xích. Nếu không họ sẽ buộc chặt thêm”.

Tỷ phú thành người lưu vong

Một tỷ phú khác bị tra tấn dưới chế độ của ông Bạc là Li Jun, 47 tuổi, vẫn đang trốn chạy ở nước ngoài và sống nhờ đồ cứu tế của nhà thờ. Ông Li được đưa vào “danh sách B” những tội phạm truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc.

Chính quyền Trùng Khánh đã trao trả 200 triệu nhân dân tệ trong số gần 270 triệu nhân dân tệ tịch thu từ ông Li sau khi ông bị gán cho là kẻ lưu manh tháng 10/2010. Nhưng ông Li khẳng định “không tin tưởng chút nào” rằng vụ án chống lại ông sẽ bị đình chỉ.

Sau khi bị tra tấn vài tuần tại một cơ sở quân đội đầu năm 2010, ông Li được trả tự do vì đồng ý nộp phạt 40 triệu nhân dân tệ. Nhưng 9 tháng sau đó, khi ông hay tin cảnh sát khám xét một trong những hộp đêm của ông, ông biết rằng mình lại bị cảnh sát săn đuổi. Vậy là ông ly hôn vợ để bảo vệ bà và chạy trốn ra nước ngoài.

“Rất nhiều người trung thành với Bạc Hy Lai vẫn còn ở Trùng Khánh, tại các tòa án và chính quyền địa phương. Họ sẽ tiếp tục săn lùng tôi”, ông Li nói. “Một số nhà thờ đang cho tôi tiền để tồn tại và tôi luôn sống một mình. Tôi không ngừng lẩn trốn và di chuyển từ nơi này sang nơi khác”

Tại Trùng Khánh, một lãnh đạo cấp cao tại Junfeng, công ty của ông Li cho biết, ông chủ của mình đã bị chính quyền nhắm tới sau khi phản đối việc bị tịch thu hai mảnh đất.

Ít nhất 11 lãnh đạo của công ty hiện vẫn đang phải ngồi tù với mức án nhiều năm, trong đó có anh em và cháu trai của ông Li, vị quản lý cho biết.

Thanh Tùng
Theo Telegraph