1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc bác tin thử tên lửa siêu vượt âm

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc nói rằng họ đang phát triển công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ, bác tin thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc bác tin thử tên lửa siêu vượt âm - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: AFP).

"Đó không phải tên lửa mà là một phương tiện vũ trụ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết ngày 18/10.

Ông Triệu cho biết thêm, đây là một cuộc thử nghiệm định kỳ nhằm đánh giá công nghệ tái sử dụng phương tiện vũ trụ, từ đó tìm ra cách thức thuận tiện và giá thành thấp cho con người du hành vũ trụ. Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu rõ liệu phương tiện vũ trụ đó là gì, nhưng một số chuyên gia cho rằng đó có thể là tên lửa đẩy có khả năng tái sử dụng tương tự tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Ông Triệu cho biết, vụ thử nghiệm diễn ra hồi tháng 7 năm nay thay vì tháng 8 như nguồn tin của báo Financial Times.

Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, hồi tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã phóng thử một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này đã bay quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp trước khi lao xuống mục tiêu nhưng vẫn trượt mục tiêu khoảng 32 km. Nguồn tin cho biết, thiết bị siêu vượt âm này đã được tên lửa đẩy Trường Chinh phóng lên.

Thời điểm đó Bắc được cho là đã giữ kín thông tin vụ phóng. Nguồn tin cho biết thêm, giới chức tình báo Mỹ đã rất bất ngờ về năng lực phát triển vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc. Mỹ đang theo dõi chặt chẽ chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc để đánh giá các mối đe dọa.

Cùng với Trung Quốc, Mỹ, Nga và ít nhất 5 quốc gia khác đang phát triển công nghệ siêu vượt âm. Giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống, tên lửa siêu vượt âm có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể bay với vận tốc gấp 5 lần âm thanh. Nếu tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để tiếp cận mục tiêu thì tên lửa siêu vượt âm bay với quỹ đạo thấp và tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Đặc biệt, tên lửa siêu vượt âm có khả năng cơ động nên khó theo dõi và khó phòng thủ hơn.

Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân Trung Quốc, bình luận rằng với vũ khí siêu vượt âm trang bị đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang tiếp cận.

Theo ông Fravel, vũ khí này có thể "gây bất ổn" nếu Trung Quốc triển khai hoàn toàn một vũ khí như vậy. Ông nhấn mạnh, ngay cả khi Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ triển khai nó.