1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bác lo ngại về thỏa thuận tên lửa với Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 8/10 đã bác bỏ các lo ngại về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hợp tác với một công ty Trung Quốc về một hệ thống phòng thủ tên lửa, nói rằng Mỹ và các nước khác đang chính trị hóa một thỏa thuận thương mại đơn thuần.

Hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc.

Cả và Mỹ và NATO đều bày tỏ lo ngại về thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD, nói rằng hệ thống của Trung Quốc không tương thích với hệ thống của các quốc gia đồng minh ở châu Âu.

Một số nhà ngoại giao cũng cho rằng việc tích hợp một hệ thống của Trung Quốc vào hệ thống phòng thủ của NATO có thể gây ra những lo ngại về an ninh mạng và các vấn đề về việc NATO trao đổi dữ liệu kỹ thuật với một công ty Trung Quốc.

Nhưng phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng không có gì phải lo ngại về điều đó, đặc biệt khi Trung Quốc có các quy định rất chặt chẽ về xuất khẩu vũ khí để đảm bảo không ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định khu vực cũng như thế giới.

"Sự hợp tác giữa công ty Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là sự hợp tác quân sự thông thường giữa hai nước", bà Hoa nói trong một cuộc báo thường ngày ở Bắc Kinh ngày 8/10.

"Chúng tôi hi vọng rằng tất cả các bên liên quan có thể nhìn nhận khách quan và sáng suốt sự hợp tác này và không chính trị hóa cuộc cạnh tranh thương mại thông thường", bà Hoa nói.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhiều khả năng nước này sẽ ký thỏa thuận, dù chưa có quyết định cuối cùng.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, hôm 26/9 đã thông báo chọn hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Tập đoàn xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) làm hệ thống phòng không mới của nước này, bỏ qua các hệ thống của Nga, Mỹ và châu Âu.

CPMIEC hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ vì vi phạm Luật không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, Triều Tiên và Syria.

Ankara cho hay việc lựa chọn trên không mạng động cơ chính trị, rằng đề nghị của Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu chính về giá cả và khả năng đặt phần lớn việc sản xuất hệ thống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Trung Quốc, thỏa thuận sẽ là một bước đột phá trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm trở thành nhà cung cấp các vũ khí hiện đại.

An Bình