1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ mua tên lửa Trung Quốc?

(Dân trí) - Trong một động thái khiến nhiều người bị sốc, một công ty quốc phòng Trung Quốc đã giành một hợp đồng trị giá 4 tỷ USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa, chiến thắng các đối thủ dự thầu khác đến từ Mỹ, EU và Nga.

Hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước đã thông báo lựa chọn một đề xuất của Tập đoàn xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) để cùng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000.

FD-2000 đã đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Lockheed Martin và Raytheon (Mỹ), S-300 của Rosoboronexport (Nga) và SAMP/T Aster 30 của Eurosam (liên doanh Pháp/Italia).

Mặc dù trước đó đã có các đồn đại rằng Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về CPMEIC, thông tin trên vẫn gây sốc cho nhiều người. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên sáng lập của NATO, vốn đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại các quốc gia trên khắp châu Âu. Các hệ thống Patriot và FD-2000 lại không tương thích nhau. Vào đầu năm nay, Mỹ, Đức và Hà Lan cũng điều tổng cộng 6 hệ thống tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ nước này khỏi cuộc nội chiến ở Syria.

Quyết định của Ankara giống như là một "sự xỉ nhục" đối với Mỹ, vốn từ lâu đã duy trì các lệnh cấm vận với CPMEIC vì các vụ buôn bán vũ khí và hợp tác quốc phòng với những quốc gia như Pakistan, Syria, Triều Tiên và Iran. Tất cả các công dân và thực thể Mỹ bị cấm giao dịch thương mại với CPMEIC.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ với CPMEIC có từ năm 1993, khi công ty này bị cấm vận vì chuyển giao công nghệ tên lửa cho Pakistan. Các biện pháp cấm vận mới nhất với CPMEIC là vào tháng 2/2013, khi công ty này bị trừng phạt cùng các cá nhân và thực thể khác của Trung Quốc vì bán cho Iran các mặt hàng bị cấm theo luật pháp Mỹ.

Theo Sáng kiến đe dọa hạt nhân (NTI), CPMEIC được Bộ công nghiệp vũ trụ (MSI) cũ của Trung Quốc thành lập vào năm 1980 với mục đích rõ ràng là bán các tên lửa được sản xuất theo chỉ đạo của MSI. Bản thân CPMEIC không vận hành các nhà máy chế tạo tên lửa mà chủ chủ yếu tiếp thị việc bán các tên lửa do các công ty quốc phòng của Trung Quốc chế tạo.

Quyết định trên của Ankara nhiều khả năng sẽ làm gia tăng những lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng tách biệt mình với phương Tây để theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hơn. Một số nhà phân tích và các nhà hoạch địch chính sách, trong đó có Vali Nasr, người từng phục vụ tại Bộ ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, đã bày tỏ những lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quan hệ với Trung Quốc.

Trong một cuốn sách của mình, ông Nasr đã chỉ ra rằng Chủ tịch Tập Cận Bình từng tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2/2012 và Thủ tướng Erdogan thăm Trung Quốc 2 tháng sau đó.

Hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Erdogan đã một lần nữa làm hồi sinh những lo ngại rằng Ankara đang “từ bỏ” phương Tây khi nói rằng: “Nếu chúng tôi vào Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), chúng tôi sẽ tạm biệt liên minh châu Âu. SCO tốt hơn và mạnh hơn nhiều”.

Nhưng ông Aaron Stein, một nhà quản lý chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại và kinh tế ở Istanbul, nói rằng quyết định trao hợp đồng tên lửa cho SMPEIC cho thấy mong muốn của Ankara nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước hơn bất kỳ sự thay đổi quan điểm địa chính trị nào.

“Hợp đồng chỉ là nhằm đi đến một sự nhất trí với một trong 4 nhà cung cấp về một thỏa thuận sản xuất chung. Ankara đã theo đuổi các thỏa thuận hợp tác sản xuất tương tự với các nhà cung cấp khác cho các hệ thống tên lửa phòng không", ông Stein nói.

Ông Stein cho rằng các công ty tại Mỹ nhiều khả năng không đáp ứng được các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao công nghệ.

“Các công ty Mỹ thường từ chối các yêu cầu chuyển giao công nghệ rất khắt khe của Ankara. Thật khó tưởng tượng là Raytheon và Lockheed lại đồng ý chuyển giao các thông tin quan trọng về thiết kế của một trong những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Stein lưu ý rằng các yêu cầu về chuyển giao công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ lâu, trước chính quyền hiện thời.

“Việc Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng vào chuyển giao công nghệ không có gì là mới mẻ. Vào năm 1985, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật số 3238, vốn nhằm xây dựng ngành công nghiệp vũ khí nội địa thông qua một chính sách hỗ trợ việc mua sắm quốc phòng”, ông Stein nói.

“Chính sách mua sắm hiện thời của Thổ Nhĩ Kỳ thiên về việc tự phát triển các sản phẩm quốc phòng. Nếu nhiệm vụ quá lớn đối với các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ nghiêng về các thỏa thuận đồng phát triển. Nếu điều này là không thể, Ankara sẽ có thiên hướng tìm kiếm các thỏa thuận đồng sản xuất. CPMEIC đáp ứng tiêu chí thứ 3”, ông Stein nói thêm.

Một điều đáng lưu ý là các công ty quốc phòng Trung Quốc từ lâu tỏ ra sẵn sàng trong việc chuyển giao công nghệ quốc phòng cho các bên thứ 3 hơn các công ty phương Tây. Ví dụ như, Bắc Kinh từng giúp Pakistan mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.

An Bình
Theo Diplomat